Chăm lo đội ngũ cán bộ, tạo động lực phát triển

02:08, 25/08/2022
.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi có những chuyển biến lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đưa ra các giải pháp để tăng cường rà soát, chọn lọc cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, từ đó rút ra nhiều bài học quý trong công tác cán bộ. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về chủ đề này.
 
Phóng viên: Thưa đồng chí, tỉnh đã có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ? Ý nghĩa của việc làm này trong giai đoạn hiện nay?
 
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Tỉnh Quảng Ngãi xác định nguồn lực con người chính là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Do đó, trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi đều xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.
 
Đối với nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong ba nhiệm vụ đột phá quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược.
 
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, tỉnh tập trung sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII); tổng kết việc thực hiện Kết luận số 17-KL/TU ngày 19/4/2016 của Tỉnh ủy khóa 19 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở ban hành Kết luận số 298-KL/TU ngày 13/4/2021 về tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Tại Kết luận số 298-KL/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
 
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sàng lọc, phát hiện, chọn cử cán bộ trẻ có phẩm chất tốt, có tiềm năng để cử đi đào tạo nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo uy tín ở trong và ngoài nước, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận về khoa học, công nghệ và lãnh đạo, quản lý cho địa phương và cho tỉnh trong thời gian tới. Các địa phương, đơn vị xây dựng và hoàn thành quy hoạch cán bộ ở cấp mình để làm cơ sở cho quy hoạch các chức danh lãnh đạo của tỉnh.
 
Hiện nay, đã thực hiện xong quy trình quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, nhiệm kỳ 2026-2031. Địa phương tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó ưu tiên phát triển nhân lực về chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý…
 
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua, sắp tới sẽ ban hành Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị của tỉnh trong 5 năm, 10 năm và 20 năm. Cùng với Nghị quyết nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm chính trị và hành động của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, hướng đến mục tiêu có được nguồn nhân lực “đủ tâm, đủ tầm” cho công cuộc hội nhập, phát triển nhanh và bền vững.
 
Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo động lực quan trọng để lãnh đạo đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh khá của vùng miền trung vào năm 2025 và phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
 
Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đặt ra yêu cầu tăng cường rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Những biện pháp, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu nêu trên cũng như những kinh nghiệm và bài học rút ra trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân: Tỉnh coi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là then chốt và là nguồn lực cơ bản, quan trọng, quyết định sự ổn định và phát triển. Từ nhận thức đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường rà soát từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá, lựa chọn, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
 
Quảng Ngãi tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, gây dư luận không tốt trong xã hội và nhân dân.
 
Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chức danh, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
 
Thực hiện nhất quán chủ trương ưu tiên xét tuyển, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Cùng với đó là luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức giữa các cấp, giữa khối Nhà nước và khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội có chức năng nhiệm vụ tương đồng.
 
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc. Đặc biệt, tỉnh coi trọng bổ nhiệm cán bộ có tài năng nổi trội trong hoạt động công vụ.
 
Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Trung ương tiến hành cụ thể hóa và tạo sự thống nhất thực hiện trong tiêu chí xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ trình lên các cấp, các ngành trong việc phát hiện và tiến cử. Ban thường vụ cấp ủy các cấp thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá kết luận và triển khai việc sử dụng, đãi ngộ và bổ nhiệm vượt cấp.
 
Từ việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nêu trên, Quảng Ngãi rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Đó là, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, qua đó thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả. Cần phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là bí thư cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
 
Trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn bảo đảm sự hài hòa, hợp lý; mọi chủ trương thiên lệch đều không đem lại kết quả như mong muốn. Đó là việc hài hòa giữa kế thừa và phát triển; giữa “xây” và “chống”; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa “đức” và “tài”; giữa bằng cấp và năng lực thực tiễn; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân; giữa phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra giám sát và ràng buộc trách nhiệm; giữa siết chặt kỷ luật, kỷ cương với tạo môi trường để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo và có cơ chế bảo vệ cán bộ.
 
Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm và phải có trách nhiệm đánh giá, bố trí cán bộ, nhất là các bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Đây là những người có vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
Theo  Hiển Cừ, Đông Hà/Nhandan.vn
 

.