Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

04:07, 27/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đang được triển khai và đã qua 3 lần hội thảo ở quy mô quốc gia. Trong quá trình xây dựng đề án, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền tiếp tục được khẳng định.
 
[links()]
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương khu vực phía bắc vào dự thảo Đề án.                                                           Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương khu vực phía bắc vào dự thảo Đề án. Ảnh: TTXVN
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Đây là quan điểm phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu thực tiễn ở nước ta hiện nay.
 
Định hướng chung trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

Có thể khẳng định, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Với tầm quan trọng đặc biệt này, nên Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, gồm 21 thành viên, trong đó có 8 Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

 
Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và đã tạo lập vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Đó là quan điểm Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự giám sát của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, còn thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. 
 
Trong quá trình chỉ đạo hoàn thiện đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu Nhà nước, mà là một phương thức tổ chức quyền lực Nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của Nhà nước. Do vậy, quan điểm chỉ đạo là không né tránh những vấn đề còn tồn tại, bất cập, nhất là khắc phục các câu chuyện "quyền anh, quyền tôi" trong bộ máy Nhà nước. Vì thế, yêu cầu đặt ra là Đảng phải luôn đảm bảo được tính chính đáng trong cầm quyền của mình, thể hiện uy tín, sự tin tưởng, sự cuốn hút của Đảng đối với nhân dân; tính hiệu quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của nhân dân.
 
Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để nước ta tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, nước ta hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, trong đó công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với thực hiện nhiệm vụ đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - một đất nước phát triển sánh vai với cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác Hồ.
 
HOÀNG HÀ
 
 

.