(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh triển khai sâu rộng đã khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả đang được nhân rộng và lan tỏa trong đời sống xã hội.
[links()]
Hướng đến cộng đồng
Thấy rác thải sinh hoạt trong khu dân cư chưa được xử lý triệt để, tháng 1/2022, Hội LHPN huyện Minh Long sáng kiến mô hình “Đổi rác lấy quà tặng” và triển khai tại các xã. Theo đó, cán bộ phụ nữ vận động người dân mang rác thải nhựa, phế liệu đến điểm tiếp nhận bố trí tại xã để đổi lấy các nhu yếu phẩm như mì ăn liền, dầu ăn, nước mắm... Đến nay, mô hình đã triển khai tại 3 xã của huyện Minh Long.
|
Người dân xã Long Hiệp (Minh Long) thực hiện mô hình đổi rác thải nhựa lấy quà tặng. |
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Long Đinh Thị Nghiêng cho hay, mô hình đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xử lý rác thải nhựa; đồng thời giúp người dân có thêm nhu yếu phẩm để sử dụng. Nhờ quá trình dân vận khéo, nên hầu hết những nơi triển khai mô hình đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Việc triển khai phong trào "Dân vận khéo" ở huyện Minh Long phù hợp với điều kiện của địa phương nên có nhiều mô hình trở thành hoạt động thi đua sôi nổi. Đơn cử như Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội LHPN huyện Minh Long. Được triển khai từ tháng 1/2022, mô hình đã giúp nhiều trẻ mồ côi có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, hội phụ nữ các cấp ở Minh Long đã đóng góp kinh phí để nhận đỡ đầu 7 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi các em đủ 18 tuổi.
“Trong năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trọng tâm là rà soát, nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả; tiếp tục tổ chức Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo”, giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tiến hành thường xuyên, liên tục trong hệ thống chính trị nhằm đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong xã hội".
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
VÕ THANH AN
|
"Mẹ đỡ đầu cho các em là cán bộ, hội viên phụ nữ hoặc các tập thể... Những người mẹ đặc biệt này sẽ trở thành điểm tựa tinh thần cho trẻ mồ côi. Hằng tháng, từ khoảng kinh phí vận động được, hội LHPN huyện, các xã sẽ trao cho các em được đỡ đầu. Mô hình “Mẹ đỡ đầu” sẽ tiếp tục được nhân rộng để giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi có thêm nghị lực vượt qua khó khăn...", bà Nghiêng chia sẻ.
Tạo sự đồng thuận
Xã Bình Minh (Bình Sơn) là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào "Dân vận khéo". Cũng nhờ dân vận khéo mà nhiều người dân dù đời sống còn khó khăn vẫn nỗ lực góp sức cùng chính quyền xây dựng quê hương.
Bà Võ Thị Lý, ở thôn Mỹ Long Tây, xã Bình Minh bày tỏ, khi xã mở rộng tuyến đường bê tông dài khoảng 450m đi ngang qua nhà tôi, chính quyền vận động gia đình hiến đất để mở đường. Mới đầu tôi cũng đắn đo, vì gia đình không có nhiều đất sản xuất. Nhưng khi cán bộ làm công tác dân vận đến động viên, tôi đồng ý hiến 500m2 đất để Nhà nước làm đường giao thông. Có đường, việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn thuận lợi hơn. Không riêng bà Lý, mà 4 hộ dân khác nằm trong dự án cũng đồng ý hiến đất mở đường.
|
Mô hình Dân vận khéo “Thắp sáng niềm tin” được triển khai trên địa bàn xã Bình Châu (Bình Sơn) đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh Nguyễn Văn Thăng cho biết, tuyến đường chỉ dài 450m nhưng có 5 hộ dân hiến đất với tổng diện tích trên 1.100m2. Đời sống của nhiều hộ tham gia hiến đất còn khó khăn nên việc họ hy sinh quyền lợi cá nhân vì cộng đồng là điều rất đáng trân quý. Ngoài thực hiện công tác “Dân vận khéo” để phát huy sức dân, xã cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân bằng việc hằng tuần tổ chức đi cơ sở một lần để nghe người dân đề đạt những tâm tư nguyện vọng, phản ánh bức xúc. Từ đó sẽ có những kiến nghị lên cấp trên để tìm hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Không chỉ ở xã Bình Minh, mà nhiều nơi trong tỉnh nhờ làm tốt công tác dân vận khéo mà người dân đã đồng lòng hiến những mảnh đất quý giá của mình để thực hiện các công trình phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trà Bồng Lê Kim Trinh, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở huyện và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân hiến trên 10 nghìn mét vuông đất xây dựng các công trình công cộng và góp hơn 3.425 ngày công làm đường giao thông, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo... Cũng nhờ dân vận khéo mà người dân đã đồng thuận khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh:
NGỌC VIÊN