(Báo Quảng Ngãi)- Sau 47 năm giải phóng (23/3/1975 - 23/3/2022), huyện Nghĩa Hành đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, diện mạo nông thôn khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao...
[links()]
Diện mạo mới
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về một thời chiến tranh gian khổ, ác liệt, nhưng cũng rất đỗi tự hào vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của ông Trần Bày, cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Ông Bày năm nay tròn 100 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, kể trong những năm tháng kháng chiến, không biết bao lần quân địch càn quét, đốt phá, người dân phải dời làng vô tận trong núi. Nhưng với niềm tin son sắt, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hành không quản ngại khó khăn, gian khổ đã đoàn kết một lòng đánh thắng quân xâm lược, giải phóng huyện nhà vào ngày 23/3/1975, góp phần quan trọng giải phóng tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975.
Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. |
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%, thu nhập bình quân 44 triệu đồng/người/năm; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 14 thôn, khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu...
Trái cây Nghĩa Hành - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh được quảng bá rộng rãi và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. |
Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao
Từ một địa phương loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, đến nay Nghĩa Hành đã hình thành được một số mặt hàng chủ lực, đặc thù và có thị trường tiêu thụ ổn định là các loại trái cây. Huyện đã xây dựng các mô hình gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân là thước đo kết quả của huyện NTM, hệ thống chính trị huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các ngành, địa phương gắn xây dựng NTM với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng KHCN, mở rộng quy mô sản xuất... Huyện đã xây dựng 31 cánh đồng lớn, với diện tích 343,5ha. Trồng mới hàng trăm héc ta cây ăn quả tập trung và hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu hoạch đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm... Qua đó, giúp đời sống người dân ngày càng no ấm; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Huyện Nghĩa Hành đã từng bước đầu tư, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Không chỉ ưu tiên nguồn lực trùng tu các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, huyện Nghĩa Hành còn thành lập Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi. Đây là Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi thứ 5 được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa Đề án của UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành không chỉ tác động tích cực đến đời sống văn hóa cơ sở, mà còn là cầu nối thu hút du khách đến các điểm tham quan, du lịch trong và ngoài huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành được thành lập góp phần nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở. |
Chặng đường 47 năm xây dựng quê hương Nghĩa Hành là sự nối tiếp truyền thống đoàn kết, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân trong toàn huyện. Những thành tựu ấy tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành kế thừa, phát huy và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch trong giai đoạn mới. Trong đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, tiến đến đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2025.
Bài, ảnh:
MỸ HOA