Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
[links()]
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự tại điểm cầu Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh văn phòng Trung ương. Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Cùng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương và các đồng chí tham dự Hội nghị những tình cảm nồng ấm, quý trọng; lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp, thế giới phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch Covid-19; tình hình vốn đã phức tạp, khó lường lại càng trở nên khó khăn hơn. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, thiếu bền vững, không đồng đều và rất khó dự báo, nhất là làn sóng dịch bùng phát mạnh do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới cũng như gần đây lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh và đã bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam.
Trong nước, với những thuận lợi cơ bản, nhất là thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và sau 35 đổi mới, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý, từng bước xây dựng hoàn thiện lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là cơ sở nền tảng quan trọng để chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức rất thành công; đồng thời, lần đầu tiên triển khai một chuỗi các hội nghị để quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực và đến tận cơ sở.
Nhưng chúng ta cũng gặp những khó khăn, thử thách rất lớn, chưa có tiền lệ. Đó là đợt dịch bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, hợp lực và giám sát hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể; vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hội nghị hôm nay sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong phiên thảo luận sau các dự thảo báo cáo, các đồng chí tham gia phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung đã được gợi ý; tập trung vào những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh; nêu rõ những mô hình hay, cách làm tốt; tập trung bàn về phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được sự đột phá, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, nặng nề của năm 2022.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành chuẩn bị có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề cần thiết mà các địa phương quan tâm, mong muốn, yêu cầu và đề xuất. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu, chỉ đạo thêm về những lĩnh vực được phân công phụ trách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch nước, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu, khách quý. Tại Hội nghị hôm nay, Chính phủ, các địa phương rất mong đợi và vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu, góp ý, chỉ đạo. Những ý kiến của các đồng chí sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo thêm động lực và bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ và các địa phương thực hiện hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo
PV/Nhandan.vn