Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục

10:12, 12/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục. Văn hóa có tốt đẹp hay không đều bắt nguồn từ con người. Con người tốt tạo nên văn hóa tốt đẹp. Trong đó, giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển nhân cách con người...
 
Phát huy vai trò của người thầy
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, phát biểu kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về chấn hưng văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc rất ý nghĩa. Chấn hưng không chỉ đối với văn hóa, mà có cả giáo dục, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT trên tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI). 
 
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây mời nghệ  nhân về giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong cho học sinh.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây mời nghệ nhân về giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong cho học sinh.
"Muốn văn hóa phát triển thì giáo dục phải tạo ra những con người tốt. Vì giáo dục giúp con người biết chữ, có kiến thức để nhận thức được sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội; biết được các nguyên tắc trong đời sống, những chuẩn mực trong gia đình; các mối quan hệ trong xã hội... Cái cao cả nhất của giáo dục là chắp cánh cho con người để vươn tới chân - thiện - mỹ. Muốn làm được điều đó thì con người phải hội tụ 4 yếu tố về đức- trí - thể - mỹ. Nếu nền giáo dục không tạo cho con người phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, thì không thể xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", ông Tâm phân tích.
 
Theo ông Tâm, để làm được điều đó, trước hết, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải chuẩn. Từ đó sẽ thôi thúc nhà giáo tự học tập, rèn luyện không ngừng để vươn lên. "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý", đòi hỏi nhà giáo phải hy sinh, cống hiến thì mới được xã hội công nhận. Điều quan trọng là làm sao để thôi thúc, khơi dậy ở họ khát vọng. Từ khát vọng họ sẽ nỗ lực cống hiến và khơi dậy cho học sinh thấy được truyền thống vẻ vang của dân tộc mà bao lớp cha ông đã gầy dựng... 
“Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông hiệu quả; các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải được quan tâm đúng mức. Cùng với sự quan tâm, dạy bảo thường xuyên của nhân dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần chấn hưng giáo dục”, ông Tâm nhấn mạnh.
 
Đưa văn hóa vào trường học
 
Giáo dục văn hóa trong nhà trường không nằm ở một môn học cụ thể, mà thông qua toàn bộ các môn học và hoạt động giáo dục, các dự án liên môn. Bên cạnh truyền thụ kiến thức khoa học, cần giúp học sinh hiểu biết về đặc trưng, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như của địa phương. Trên cơ sở đó, thế hệ trẻ có thể tiếp tục giữ gìn, phát triển những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống; có những hiểu biết, phẩm chất và năng lực phù hợp với môi trường lao động quốc tế.
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, Sơn Tây là huyện miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong chiếm đa số. Vì vậy, các trường chú trọng tổ chức các buổi ngoại khóa và mời các nghệ nhân để trao truyền các làn điệu dân ca, dạy các nghề truyền thống; đồng thời đầu tư các thiết chế nhà truyền thống, phòng truyền thống trong trường, nhằm phục dựng lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong.
 
Các trường học trong tỉnh đã xây dựng “góc địa phương” trong lớp học, để giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng vùng miền đến học sinh, giúp các em hiểu hơn về nét đẹp văn hóa, ngành nghề truyền thống. Nhiều trường học ở miền núi đã lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa để giới thiệu những phong tục tập quán, nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc...
 
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho rằng, chấn hưng văn hóa là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp học sinh giữ hồn cốt của văn hóa truyền thống. Hoạt động giáo dục tri thức, tạo nhận thức cho học sinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng. Tháng 9/2021, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian, nhằm bổ trợ, phục dựng các nét sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa để các em tìm hiểu nét văn hóa tốt đẹp của cha ông. Thầy cô giáo đóng vai trò giáo dục giá trị và truyền cảm hứng, còn học sinh là người phát huy và trao truyền lại cho thế hệ kế tiếp.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.