(Báo Quảng Ngãi)- Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nội dung sinh hoạt của các chi bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua cơ bản khắc phục được tính hình thức, đơn điệu; phương pháp, cách thức sinh hoạt chi bộ được đổi mới...
[links()]
Nâng cao chất lượng sinh hoạt
Từ thực tiễn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, cấp ủy, bí thư chi bộ nắm vững hơn nội dung, quy định, quy trình và phương pháp tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ, nhất là các buổi sinh hoạt theo chuyên đề. Những tồn tại, hạn chế trong sinh hoạt chi bộ từng bước được khắc phục. Các cấp ủy đổi mới nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt để phù hợp với từng loại hình chi bộ cũng như thực tiễn tại địa phương. Chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ định kỳ được duy trì thường xuyên, thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt ở các loại hình chi bộ đạt từ 85% trở lên; trong đó, đảng viên sinh hoạt ở chi bộ thuộc lực lượng vũ trang đạt 95%, đảng viên sinh hoạt ở chi bộ cơ quan hành chính đạt 90%. Nhiều chi bộ đã mở rộng dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê hình và phê bình, thể hiện được tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
Chi bộ tổ 5, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) tổ chức sinh hoạt định kỳ. |
Một số đảng bộ cơ sở ở huyện Trà Bồng đã lựa chọn một chi bộ trực thuộc để tiến hành làm mô hình điểm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó rút kinh nghiệm triển khai đến các chi bộ còn lại. Qua đó, từng bước khắc phục được sự lúng túng trong điều hành sinh hoạt chi bộ của một số cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố. Chất lượng sinh hoạt chi bộ nhiều nơi được nâng lên, việc thảo luận trong sinh hoạt có trọng tâm hơn; việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên rõ ràng hơn, từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.
Còn một số mặt hạn chế
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thời gian tới. Đó là, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa cao. Nội dung sinh hoạt còn rập khuôn; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ và đảng viên còn chung chung, chưa cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp đề ra để giải quyết vấn đề còn mang tính lý thuyết, hạn chế hiệu quả lãnh đạo; thực hiện việc phân công cho đảng viên chưa rõ ràng. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề của một số ít chi bộ hiệu quả chưa cao, thiếu tính sáng tạo, có nơi còn cứng nhắc, nặng về lý luận; chưa đảm bảo theo quy định, chưa có giải pháp thiết thực, sát với tình hình thực tế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Trong sinh hoạt, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu, nhiều đảng viên còn nể nang, né tránh, không dám góp ý, phê bình đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vẫn còn lẫn lộn giữa sinh hoạt chuyên môn và sinh hoạt chi bộ, chưa phân biệt giữa quyết định của chi bộ thực hiện vai trò lãnh đạo với việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo chức trách, thẩm quyền...
Chú trọng sinh hoạt chuyên đề
Thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, chi bộ cơ sở quan tâm hơn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh hoạt chuyên đề theo đúng quy định mỗi quý một lần. Phần lớn các chuyên đề được triển khai sinh hoạt theo từng chủ điểm gắn với việc học tập và làm theo Bác, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương. Một số cấp ủy đã chủ động cụ thể hóa sinh hoạt với các chủ đề như "Tiết kiệm làm theo lời Bác", "Gần dân, giúp dân - đảng viên giúp hộ gia đình", "Gần dân, sát dân", họp bàn giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi...
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ