*
VÕ VĂN QUỲNH -
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
|
Đồng chí Võ Văn Quỳnh. |
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng từng bước được bổ sung, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối với ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Ngãi, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Không ngừng đổi mới
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với toàn bộ hoạt động của Đảng, ngày 16/10/1948, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương (khóa I), đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư đã ký Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng ban.
Từ đó đến nay, qua 73 năm xây dựng và phát triển, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng từng bước được bổ sung, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí, do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi (...). Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". |
Sau đó, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho đủ 21 thành viên theo Đề án đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua; đồng thời, tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021), trong đó bổ sung nhiều điểm mới về quan điểm được quy định thành nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát của Đảng. Đó là công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Liên quan đến quan điểm mới này, Bộ Chính trị khóa XIII đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương này; đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời "biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao"; "xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực...". Ngoài ra, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương cũng bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm, thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp.
Nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân
Sau khi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thành lập. Tại Quảng Ngãi, ngày 26/9/1970, Tỉnh ủy đã bầu Ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Tấn Toả, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, làm Trưởng Ban. Sau đó, ủy ban kiểm tra các cấp từ huyện đến cơ sở được thành lập.
|
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác kiểm tra Đảng. Ảnh: PV |
Qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với ngành Kiểm tra Đảng trong cả nước, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi không ngừng trưởng thành, từng bước được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh có gần 1.300 cán bộ kiểm tra; hầu hết cán bộ kiểm tra từ cấp huyện trở lên đều có bằng đại học, trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp và cử nhân; đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra của Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã chủ động thực hiện và tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng.
Những năm gần đây, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động nắm chắc tình hình, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ, việc quản lý và thực hiện các công trình, dự án đầu tư...; kịp thời xem xét, xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra. Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Tự hào với thành tích 73 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với cả nước, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy", với tinh thần công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính; kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động thực hiện và tham mưu cấp ủy thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng; kịp thời tham mưu, giúp cấp ủy cụ thể hoá, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định mới của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Đội ngũ cán bộ kiểm tra cần phải tập trung nghiên cứu, nắm vững các Quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan và thận trọng trong thực hiện nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân./.