(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 27.4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân sẽ đối thoại trực tiếp với cán bộ đoàn, hội, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, với nội dung: “Vấn đề khởi nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ trong giai đoạn hiện nay”.
[links()]
Tạo điều kiện cho phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp
Vấn đề khởi nghiệp, việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, nhất là trong thanh niên và phụ nữ hiện nay được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành các nghị quyết, chương trình, các cơ chế, chính sách được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế phối hợp ba bên “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp"...
Chị Võ Thùy Lan Viên, ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) giới thiệu sản phẩm tinh dầu bơ Lavi tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần 2 - năm 2020. Ảnh: BẢO HÒA |
Trên cơ sở đó, các cấp hội phụ nữ và tổ chức đoàn thanh niên đã cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ phụ nữ, thanh niên phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo; hiện thực hóa ý tưởng thông qua các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ và người lao động. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động hợp lý theo hướng “ly nông bất lý hương” và tăng thu nhập cho các hộ gia đình đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ; hạn chế được tình trạng thanh niên, phụ nữ phải đi vào các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm với cuộc sống bấp bênh, không bền vững.
Còn nhiều tồn tại, bất cập
Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế, vấn đề khởi nghiệp, việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trong thanh niên, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc triển khai kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên của tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề; định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa đạt mục tiêu đề ra. Một bộ phận lao động ở nông thôn, miền núi chưa thích nghi với môi trường lao động công nghiệp. Hợp tác giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp; các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất ra đường được ký hợp đồng làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Thanh Thuận |
Để khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ, ngoài tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh; tư vấn... UBND tỉnh đang xây dựng dự thảo Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025", với mục tiêu hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên đổi từ hộ kinh doanh; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 36, ngày 7.1.2020 “về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó tập trung một số nhóm giải pháp như: Nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp; thúc đẩy việc hình thành và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh để tạo điều kiện về vốn cho các dự án khởi nghiệp có thể hiện thực hóa và phát triển; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cụ thể cho các bạn trẻ khởi nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa hình thành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của thanh niên khu vực nông thôn còn rất khó khăn. Theo khảo sát thực tế, nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm của người dân khoảng trên 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hằng năm nguồn vốn được trung ương và ngân sách địa phương bố trí, trích chuyển ủy thác còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, khó khăn về quy trình xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; việc tiêu thụ sản phẩm làm ra từ các mô hình khởi nghiệp, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) chưa bền vững; chuyển đổi số doanh nghiệp; định hướng và giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, nhất là lao động khu vực miền núi để đáp ứng thị trường lao động; giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường... là những vấn đề cần được người đứng đầu cấp ủy giải đáp tại buổi đối thoại này, nhằm từng bước khắc phục và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
THANH THUẬN