(Báo Quảng Ngãi)- Các xã sau sáp nhập, nhất là sau đại hội đảng bộ đã tập trung sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) để bộ máy đi vào hoạt động ổn định, phục vụ người dân được tốt hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều cán bộ dôi dư
Là địa phương có số xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh (6 xã nhập lại thành 3 xã - PV), huyện Trà Bồng đã tăng cường chỉ đạo các xã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na cho hay: Thực hiện sáp nhập hai xã Trà Trung và Trà Thọ thành xã Trà Tây, dẫn đến số lượng CBCC, người lao động của xã Trà Tây tăng gấp đôi. Đối chiếu với quy định, thì số cán bộ dôi dư rất nhiều. Thời điểm sáp nhập, xã Trà Tây có 80 CBCC và cán bộ không chuyên trách.
Công chức thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Để giảm số lượng CBCC, xã tuyên truyền, vận động CBCC gần hết tuổi lao động, những người không đủ chuẩn viết đơn xin nghỉ trước tuổi. Riêng cán bộ không chuyên trách, xã cũng vận động những người đã lớn tuổi, bằng cấp, trình độ không đảm bảo thôi việc và giải quyết các chế độ 1 lần. Sau đại hội, xã đã sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác...
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết: Đến nay, hoạt động của các xã mới sáp nhập đã cơ bản ổn định. Riêng việc sắp xếp CBCC dôi dư đang được huyện tiếp tục triển khai. Trước thời điểm sáp nhập, cả 6 xã có 231 CBCC và cán bộ không chuyên trách. Sau khi sáp nhập, 3 xã mới đã giảm được 82 CBCC và cán bộ không chuyên trách. Hiện nay, việc bố trí, sắp xếp đối với CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách gặp khó khăn do sáp nhập nguyên trạng giữa 2 xã, nên số lượng cán bộ dôi dư rất nhiều.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Bí thư Đảng ủy thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) Nguyễn Văn Thái cho biết: Sau đại hội, công tác sắp xếp CBCC được địa phương tập trung triển khai. Đảng ủy, UBND thị trấn đã tuyên truyền, vận động và sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Tính đến nay đã có 9 người xin nghỉ việc. “Hiện nay, CBCC của thị trấn đa phần là cán bộ trẻ, nên việc tinh giản gặp nhiều khó khăn. Hiện địa phương đang thừa công chức văn phòng và tư pháp, nhưng không biết sắp xếp như thế nào. Theo quy định, thị trấn là đơn vị hành chính loại 1 sẽ có 23 - 24 CBCC, nên việc tinh giản gặp nhiều khó khăn”, ông Thái cho biết thêm.
Tại huyện Ba Tơ, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Tơ Đinh Thị Bắc, thực hiện Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện nhập một phần xã Ba Chùa vào thị trấn Ba Tơ và phần còn lại nhập vào xã Ba Dinh. Sau sáp nhập, các địa phương đã sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ cho CBCC theo đúng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5 cán bộ mặt trận, đoàn thể ở các địa phương sau sáp nhập vẫn chưa sắp xếp được.
Tương tự, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng đang gặp khó trong việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân cho hay: Việc phân công nhiệm vụ cho CBCC không khó, nhưng việc sắp xếp CBCC thuộc diện dôi dư thì vướng mắc, do phần lớn đội ngũ cán bộ này còn trẻ tuổi, số lượng cán bộ nghỉ hưu không nhiều. Đến nay, có 7 CBCC và cán bộ không chuyên trách có đơn xin nghỉ. Theo lộ trình, thực hiện sắp xếp, bố trí CBCC dôi dư đến năm 2024 còn 23/33 CBCC và 14/23 cán bộ không chuyên trách, điều này là rất khó khăn và áp lực cho địa phương. Xã sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động một số CBCC nghỉ trước tuổi theo quy định...
Bài, ảnh: BÁ SƠN