"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"- Kỳ cuối: Dân vận khéo ắt sẽ thành công

08:07, 28/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thông qua tổ chức gặp gỡ, đối thoại với công dân đã được triển khai thực hiện có hiệu quả ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dân, tạo sự ổn định xã hội, đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn’’. 
 
Chủ động đối thoại với dân
 
Thanh tra tỉnh là một trong những điểm sáng ở Quảng Ngãi trong công tác dân vận chính quyền. Chánh Thanh tra tỉnh Trà Thanh Danh cho biết: Đơn vị đã chủ động đối thoại với người khiếu kiện để giải thích chính sách, pháp luật, kết hợp với vận động người dân rút đơn khiếu nại. Từ năm 2017 đến cuối năm 2019 có 13/58 vụ và 6 tháng đầu năm 2020 có 5 vụ khiếu nại sau khi lãnh đạo Thanh tra tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại và giải thích chính sách pháp luật, công dân đã hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại. 
Tổ dân vận thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn) vận động gia đình bà Kiều Thị Hòa giao đất thực hiện dự án Khu sinh hoạt văn hóa thôn.                             ẢNH: PV
Tổ dân vận thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn) vận động gia đình bà Kiều Thị Hòa giao đất thực hiện dự án Khu sinh hoạt văn hóa thôn. ẢNH: PV
Từ việc cán bộ am hiểu chính sách pháp luật, sâu sát thực tiễn, kiên trì trong giải quyết KNTC, đã giúp công dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết ổn thỏa. Năm 2019, TP.Quảng Ngãi là địa phương có số lượng đơn thư KNTC nhiều nhất tỉnh. Trong đó nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng để thi công các dự án. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đơn thư gia tăng, mà một trong số đó là chưa phát huy vai trò của hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn đứng ngoài cuộc, không nắm bắt đầy đủ thông tin về các dự án quy hoạch, giải tỏa đền bù, chỉ khi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp thì mới vào cuộc. Mặt khác, cách giải quyết của một số địa phương chưa linh hoạt, thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về chủ trương, chính sách còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, cố tình không hợp tác, nhằm đòi hỏi quyền lợi cao hơn chế độ, chính sách...
 
Trước thực trạng này, Thanh tra tỉnh đã chủ động làm việc với người đứng đầu các sở, ngành, địa phương để tìm hướng giải quyết từng vụ việc. Qua đó, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền KNTC; đồng thời tiếp nhận xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại đã phát sinh đúng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Thanh tra tỉnh cũng đã biệt phái cán bộ về TP.Quảng Ngãi để hỗ trợ địa phương, giúp Chủ tịch UBND thành phố giải quyết các vụ việc khiếu nại, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Kết quả, Thanh tra tỉnh đã giúp thành phố giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai của người dân đạt trên 85%.
 
Trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra TP.Quảng Ngãi Đào Kim Kinh cho hay: Tổ công tác của Thanh tra tỉnh đã giúp thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn về nhân lực và giải quyết rốt ráo nhiều vụ việc liên quan đến KNTC, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện các chủ trương, dự án trên địa bàn. 
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Hòa giải tốt ở cơ sở là yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả công tác dân vận. Bởi thông qua công tác hòa giải cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp.
“Nghe dân nói, nói dân tin”
 
Thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành quy chế đối thoại, tiếp dân giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân. Qua đó, nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc kéo dài đã kịp thời giải quyết, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền. 
 
Đơn cử như tại thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn), nhiều năm liền người dân kiến nghị xây dựng khu sinh hoạt thể dục - thể thao (TDTT), nhưng không được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất. Thay vì cấp đất xây dựng khu TDTT thì huyện, xã lại lấy đất sản xuất, xây dựng khu dân cư, phân lô bán nền gây bức xúc trong nhân dân. Đến đầu năm 2020, UBND xã Bình Long tổ chức họp dân thôn Long Vĩnh để lắng nghe nguyện vọng của nhân dân về việc mở rộng khu TDTT của thôn. 
 
Qua thảo luận, nhân dân kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng khu TDTT kết hợp sinh hoạt cộng đồng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân, xã đăng ký và được huyện, tỉnh chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Long Vĩnh. Để đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, xã triển khai đề án xây dựng dự án khu TDTT kết hợp sinh hoạt cộng đồng, với diện tích 1.500m2, tổng kinh phí 1,55 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh, huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và nhân dân đóng góp 550 triệu đồng”, Chủ tịch UBND xã Bình Long Hồ Văn Thái thông tin.
 
Từ tháng 3.2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn triển khai mô hình tiếp công dân "Nghe dân nói, nói dân tin". Buổi tiếp dân thực hiện định kỳ mỗi tháng một lần, trên cơ sở đăng ký làm việc của công dân. Hầu hết những trường hợp tiếp dân đều liên quan đến những vụ việc phức tạp, có đơn thư kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết. Như trường hợp ông Nguyễn Tài Tiền, ở thôn Nam Bình 1, xã Bình Nguyên, đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị các cấp giải quyết chế độ chính sách. Cuối năm 2019, thông qua mô hình "nghe dân nói, nói dân tin", ông được trực tiếp gặp gỡ đối thoại với Bí thư Huyện ủy. Tại buổi làm việc, nghe cán bộ huyện phân tích, giải thích những vấn đề đúng, sai theo quy định của pháp luật, ông Tiền nhận ra những vấn đề thiếu sót cần bổ sung trong hồ sơ để được giải quyết. 
 
Hơn 1 năm triển khai mô hình với hơn 10 vụ việc được giải quyết rốt ráo đã mang lại lợi ích chính đáng cho người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: Trước khi tiếp dân, các cơ quan chức năng của huyện và xã phải báo cáo rõ sự việc và đề xuất hướng giải quyết. Ít nhất chưa giải quyết được vụ việc thì cũng phải giải quyết được mâu thuẫn giữa người tố cáo, người đề nghị với cơ quan chính quyền ở cơ sở.
 
Cùng với triển khai mô hình "nghe dân nói, nói dân tin", Huyện ủy Bình Sơn chỉ đạo cấp ủy cơ sở thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết KNTC của công dân. Định kỳ hằng tháng, hằng quý phải có báo cáo kết quả giải quyết thông qua việc tiếp công dân. Từ việc chủ động đối thoại, chủ động dân vận hay xử lý đơn thư KNTC của người dân... đã hóa giải thành công các tranh chấp, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Bản chất cốt lõi của công tác dân vận chính là củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Thực tế ở Quảng Ngãi, từ việc quan tâm thực hiện mô hình “dân vận khéo” bước đầu đã giải quyết được nhiều vấn đề khó, phức tạp.
 
Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và huy động được sức dân cho công cuộc phát triển. 
 
T.THUẬN - B.SƠN
 

.