"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"- Kỳ 1: Chung tay bảo vệ môi trường

10:07, 24/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người chỉ ra nhiệm vụ của mỗi cán bộ cách mạng là phải biết làm công tác dân vận... Thực tế ở Quảng Ngãi, công tác dân vận đã được vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn ở địa phương, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết nhiều vấn đề búc xúc, nổi cộm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. 
 
 Kỳ 1: Chung tay bảo vệ môi trường
 
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “nóng” không chỉ ở thành thị, mà còn ở cả khu vực nông thôn hiện nay. Đây là vấn đề bức thiết được đặt lên hàng đầu, bởi ảnh hưởng đến mỹ quan và sức khỏe của người dân, là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị và các tâng lớp nhân dân chung tay bảo vệ môi trường với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. 
Tử tế với biển…
 
Là điểm cuối của sông Trà Bồng nên rác thải tại cửa Sa Cần, thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) ngày càng nhiều, với số lượng hàng trăm tấn bị vùi sâu dưới cát. Không đành lòng nhìn bãi biển ngày càng bị ô nhiễm, giữa năm 2019, cấp ủy, Ban Dân chính thôn Hải Ninh đã họp dân để cùng thảo luận, bàn bạc thực hiện chiến dịch “Tử tế với Sa Cần”.  
Người dân tham gia Chiến dịch
Người dân tham gia Chiến dịch "Tử tế với Sa Cần" ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Ảnh: Hiền Thu
Trưởng thôn Hải Ninh Dương Duy Din cho biết: Chiến dịch “Tử tế với Sa Cần” được chia thành nhiều giai đoạn, với các phần việc như xới, dọn rác thải ở bãi biển, kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn người dân  phân loại rác tại nhà, thành lập tổ thu gom rác, ra quân định kỳ dọn rác trên bãi biển... Dù việc triển khai rất khó khăn, nhưng chiến dịch này có ý nghĩa thiết thực, đem lại lợi ích cho chính người dân nên ai cũng đồng lòng hưởng ứng.
 
Sau gần một năm phát động, người dân thôn Hải Ninh đã ra quân nhiều đợt để thu gom số rác nằm sâu trong cát, với khối lượng gần 90 tấn trải dài trên 1km bờ biển. Nhờ nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương và được sự ủng hộ của cả cộng đồng, giờ đây bãi biển Sa Cần đã trở thành bãi biển sạch đẹp. Ông Lê Thanh Vân, ở thôn Hải Ninh chia sẻ: "Sau những đợt ra quân dọn sạch rác dọc bờ biển và nghe tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, người dân ở đây giờ ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác ngay tại nhà và không vứt rác bừa bãi. Chúng tôi hy vọng người dân ở các địa phương khác cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường để những dòng sông, bãi biển không còn rác thải". 
 
Tiếp nối sự thành công của dự án “Tử tế với Sa Cần”, cuối năm 2019, người dân thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng chung sức, đồng lòng thực hiện dự án “Tử tế với Phước Thiện 1”. Khởi xướng dự án này là Bí thư Chi đoàn thôn Phước Thiện 1 Nguyễn Văn Thành. Anh Thành bày tỏ: "Đa số người dân trong thôn đều có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác ở bãi biển, nhưng lượng rác cũ vẫn còn tồn tại nên chúng tôi phát động, kêu gọi người dân cùng chung tay, góp sức để dọn sạch bờ biển. Hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường biển, hàng trăm người dân trong thôn đã tham gia thu gom rác". 
 
Trong khi nhiều xã ven biển khác vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm rác thải, thì ở hai xã Bình Hải, Bình Thạnh việc huy động sức dân gìn giữ môi trường biển đã bước đầu có được thành công.
 
Nâng cao ý thức xử lý, phân loại rác
 
Mặc dù địa bàn xa xôi, cách trở, xe chở rác không thể đến tận nơi để thu gom, nhưng ở hai xã miền núi Long Sơn và Long Môn (Minh Long) cảnh quan môi trường luôn sạch sẽ. Đó là nhờ sự vào cuộc của chính quyền và các hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời triển khai các mô hình “Giỏ rác tại hộ gia đình”, xây dựng “lò đốt rác” tại các thôn. 
Người dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) phân loại rác tại nhà và mang rác thải đến lò đốt rác của địa phương để xử lý.           Ảnh: H.Thu
Người dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) phân loại rác tại nhà và mang rác thải đến lò đốt rác của địa phương để xử lý. Ảnh: H.Thu
Với mô hình “Giỏ rác tại hộ gia đình”, cán bộ hội LHPN các xã hướng dẫn hội viên, phụ nữ hình thành thói quen phân loại, xử lý rác. Các hộ gia đình tham gia mô hình được phát hoặc khuyến khích sử dụng hai thùng rác tại gia đình để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên đến nay, 100% hội viên phụ nữ ở 3 chi hội thôn Gò Tranh, Gò Chè (xã Long Sơn) và thôn Làng Trê (xã Long Môn) đều có giỏ rác và thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình.
 
Chị Đinh Thị Trị, ở thôn Gò Tranh chia sẻ: "Được cán bộ tuyên truyền về tác hại của rác thải và hướng dẫn cách phân loại rác nên gia đình tôi hạn chế sử dụng túi ni lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần và luôn phân loại rác trước khi mang đi xử lý. Nhờ làm tốt việc xử lý, phân loại rác ngay từ đầu, không vứt rác bừa bãi mà những năm qua, dù không có xe thu gom rác nhưng môi trường ở đây luôn sạch sẽ, trong lành".
 
Những năm qua, Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX. Đức Phổ) cũng phát động phong trào phân loại rác và xây dựng “Lò đốt xử lý rác thải tại nhà”. Đến nay, thôn Vĩnh An đã có 100% hội viên cựu chiến binh xây dựng lò đốt, xử lý rác tại nhà. Từ mô hình của CCB, nhiều hộ dân trong xã học tập làm theo. Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Vĩnh An Nguyễn Đình Luận cho biết: "Để thay đổi được thói quen của người dân, nâng cao ý thức của họ trong việc bảo vệ môi trường, thì ngoài việc tuyên truyền, hội viên CCB chúng tôi thực hiện việc làm gương, đi đầu. Khi người dân thấy việc làm của chúng tôi là đúng đắn, mang nhiều lợi ích thì họ sẽ làm theo".
 
Xây dựng nếp sống văn minh
 
Hơn 3 năm qua, ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) không còn tình trạng đốt, rải vàng mã khi đưa tang, cúng giỗ. Để có được sự đồng lòng, thực hiện nghiêm túc của người dân, từ nhiều năm trước, cán bộ ở thôn Xuân Hòa đã tiên phong thực hiện việc không đốt vàng mã, vừa tránh lãng phí, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Từ việc làm của cán bộ, đảng viên thôn Xuân Hòa, năm 2017, Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn vận động nhân dân đăng ký thực hiện mô hình “Hạn chế rải, đốt vàng mã khi đưa tang, không tổ chức tuần, giỗ, ma chay lãng phí”.  
Cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Nghĩa
Cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Nghĩa
Thời gian đầu, có khoảng 80% hộ dân đăng ký và sau một năm thì đã có 100% hộ dân cam kết thực hiện. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tịnh Hiệp Phạm Văn Thái, đốt, rải vàng mã là tập tục có từ lâu đời của nhân dân, để thay đổi được thói quen này rất khó khăn. Ngoài công tác dân vận, tuyên truyền cho dân hiểu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện, đó mới là yếu tố then chốt để mô hình này thành công.
 
Là địa phương thuộc huyện miền núi Sơn Hà, đời sống của người dân còn khó khăn, thế nhưng nhiều năm qua, cứ đều đặn vào thứ 6 hằng tuần, người dân thôn Gò Ra, xã Sơn Thành cùng nhau quét dọn các tuyến đường bê tông dẫn vào thôn, xóm. Hoạt động này bắt đầu từ năm 2015, do Chi hội CCB thôn Gò Ra khởi xướng. Từ việc làm của Chi hội CCB, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi và hình thành thói quen quét dọn đường quê hằng tuần. Anh Đinh Ngọc Bích, ở thôn Gò Ra chia sẻ: "Việc dọn dẹp đường quê, làng xóm không chỉ giúp môi trường sống trong lành, cảnh quan sạch sẽ hơn mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chung sức xây dựng làng xóm văn minh, hiện đại hơn".
 
Với những cách làm thiết thực gắn với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, phong trào "dân vận khéo" trong bảo vệ môi trường không những góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, mà còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. 
 
T.THUẬN - H.THU 
----------
Kỳ 2: Lắng nghe dân, tạo sự đồng thuận
 
 
 
 
 
 

.