(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là cơ hội, là điều kiện để các cấp ủy đảng trực tiếp tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân, góp ý xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng gần dân và gắn bó mật thiết với nhân dân. Một trong những kênh vô cùng quan trọng để đóng góp ý kiến xây dựng Đảng chính là thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau 7 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho thấy, đây là một chủ trương “rất trúng”, “rất đúng”, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn. Thông qua đó, người dân tham gia phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền nhiều hơn; có nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết giúp cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng phát huy ưu điểm, đồng thời kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) Bùi Văn Chuyện gặp gỡ nhân dân ở khu dân cư để nắm tình hình. |
Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một số nội dung trong Quyết định 218 triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thậm chí một số nội dung nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện, nhất là việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân mỗi năm một lần. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền; nhiều địa phương chưa xây dựng hòm thư góp ý, nơi đặt hòm thư góp ý chưa phù hợp... dẫn đến số người tham gia góp ý chưa nhiều, người dân còn ngại tham gia góp ý.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa cho biết: Trong những năm qua, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, đối với Mặt trận cấp cơ sở, công tác này vẫn còn yếu. Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức tập huấn cho gần 200 cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng giám sát và phản biện xã hội, nhất là cách thức tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương, về công tác cán bộ...
Hiện nay, toàn Đảng đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là tập trung xây dựng văn kiện đại hội và nhân sự cấp ủy khóa mới các cấp. Đây chính là thời điểm rất cần sự tham gia của nhân dân. Do đó, ngoài việc đối thoại, rà soát việc triển khai hòm thư và bố trí hòm thư theo tinh thần nội dung Quyết định 218, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần tạo ra nhiều diễn đàn, nhiều kênh thông tin để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân.
Bên cạnh đó, để nhân dân thuận tiện góp ý xây dựng, các cấp ủy, chính quyền cần công khai, minh bạch thông tin liên quan đến hoạt động của Đảng, chính quyền nhiều hơn, nhanh hơn, nhất là những nội dung trong Quyết định 218 đã quy định. Tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiếp dân để lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhưng cụ thể nhất là tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, phải có nơi để cho người dân phát biểu đóng góp những ý kiến tâm huyết. Nếu kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đóng góp trực tiếp của người dân thì chắc chắn mọi yếu kém, khuyết điểm sẽ được khắc phục, sửa chữa nhanh và hiệu quả cao hơn.
Bài, ảnh: THANH THUẬN