(Baoquangngai.vn)- Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận “Bảo vật quốc gia” cho cả hai xe tăng 843 và 390, vì cả hai đều có mặt sớm nhất trong dinh Độc Lập trưa 30.4.1975.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phủi lớp bụi thời gian sau 20 năm
Suốt 20 năm, từ 30.4.1975 đến 1995, trong các tài liệu tuyên truyền lẫn trong sách giáo khoa đều ghi chiếc xe tăng 843 do trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập. Sự mặc nhiên này bị lộ sáng một phần sau khi bà Francoise Demulder- một ký giả người Pháp công bố những bức ảnh bà ghi lại được trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30.4.1975. Thế nhưng để đi tìm tung tích của những người lính lái chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh được bà Francoise Demulder ghi lại ấy là cả một kỳ công.
|
Xe 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Ảnh: Francoise Demulder
|
Trong hành trình trả lại cho lịch sử những gì vốn đã diễn ra, đạo diễn Phạm Việt Tùng đã lần theo dấu chân của nữ ký giả người Pháp để ghi lại hành trình vất vả ấy. Bên cạnh những tấm ảnh tư liệu, những nhân chứng lịch sử mà bà Demulder tìm lại được đã khẳng định rằng chiếc xe tăng 390 mới là xe húc đổ cổng chính dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Trên xe chỉ có bốn người chứ không phải “năm anh em” như lời một bài hát quen thuộc mà ta vẫn nghe.
Ông Tùng nhớ lại: “Chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước, tôi được một người quen mách cho rằng, bên Paris có cuộc triển lãm những bức ảnh nói về thời khắc lịch sử trưa 30.4.1975 do Đại sứ quán Việt Nam thực hiện. Trong số những người đến xem phòng trưng bày ấy có bà Francoise Demulder. Sau khi xem những bức ảnh, bà Francoise Demulder, một trong vài ba nhà báo nước ngoài có mặt trong sân của dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, nói rằng bức ảnh húc đổ cổng dinh Độc Lập ở phòng trưng bày này là không đúng.
Theo bà thì xe tăng húc đổ cổng chính dinh hôm đó là xe 390 chứ không phải xe 843. Sau đó, bà có nói với Đại sứ quán nước ta là sẽ biếu toàn bộ số ảnh do bà chụp được ngày ấy cho Việt Nam và cho phép bà được gặp lại bốn người “anh hùng” trên chiếc xe tăng năm ấy. Lời đề nghị của bà Francoise Demulder được đáp ứng và bà là vị khách đặc biệt tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thống nhất đất nước của Việt Nam.
Việc bà Demulder công bố những bức ảnh được chính bà ghi lại trong thời khắc chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4.1975 đã gây không ít ngạc nhiên cho giới nhiếp ảnh vì lâu nay họ đã mặc định chiếc xe 843 mới là xe húc đổ cổng dinh.
Hành trình đi tìm “4 anh em trên chiếc xe tăng”
Tôi hỏi đạo diễn Phạm Việt Tùng: “Xe tăng sao chỉ có 4 người mà không “5 anh em” như lời bài hát?”. Ông giải thích: “Loại xe tăng 5 người là xe đời cũ T34. Nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh là viết về loại xe tăng này. Còn xe 390 là loại đời mới T54 chỉ có 4 người thôi. Chiếc 390 gồm có lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập, trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên, thiếu úy Lê Văn Phượng và trung úy Vũ Đăng Toàn- chính trị viên đại đội. May mắn cho bà Demulder là cả 4 người lính ấy, sau khi rời quân ngũ trở về, tuy mỗi anh một quê, mỗi người một phận nhưng đều còn sống và khỏe mạnh”.
|
Bốn cựu binh: Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Ngô Sỹ Nguyên, Lê Văn Phượng cùng đạo diễn Phạm Việt Tùng (từ trái qua). Ảnh: Việt Tùng
|
Ông Tùng nói rằng, ngoài sự dũng cảm để có mặt ngay trong thời khắc lịch sử ấy, bà Demulder còn là nhà báo rất ý thức trong việc ghi lại những “bằng chứng”. Chẳng hạn như hôm đó có rất nhiều cảnh diễn ra trong sân dinh Độc Lập nhưng bà Demulder chỉ chụp mỗi chiếc xe 390, còn mọi cảnh khác bà bỏ qua. Cẩn thận hơn, bà còn “cận cảnh” cả 4 khuôn mặt trên chiếc xe tăng ấy. Điều này đã giúp bà tìm được các nhân vật của mình sau 20 năm.
Được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam khi ấy, bà Demulder đã lần theo dấu vết khá lờ mờ về bốn người lính này ròng rã trong hai tháng trời. Bà đến Binh chủng tăng-thiết giáp để lần tìm thông tin. Người ta đưa tấm ảnh được cho là người húc đổ cổng dinh cho bà xem, bà lắc đầu, nói “không phải”.
Bà đưa tấm ảnh của mình ra và khẳng định: “Đây mới là anh lính lái xe húc đổ cổng dinh!”. Lần tìm mãi mới biết “người lính ấy” chính là Nguyễn Văn Tập quê tỉnh Hải Hưng (lúc ấy chưa tách tỉnh). Về Hải Hưng, bà nhờ người lục tung trong đống hồ sơ các cựu chiến binh của tỉnh này thì có tên anh Nguyễn Văn Tập nhưng lại ghi là lính “TG”. Họ giải thích với bà là ở đây có tên anh tập nhưng là lính… tăng gia! Thì ra người ta đã nhầm từ lính “thiết giáp” sang lính “tăng gia” là từ chữ viết tắt này.
Dù vậy, bà vẫn quyết tâm tìm gặp anh lính “tăng gia” ấy. Lúc đó tầm hơn 10 giờ sáng, người cựu binh ấy đang cày ruộng ngoài đồng. Có người bảo anh dừng tay để gặp một “bà Tây” vì bà ấy đang đi tìm. Đứng trước mặt anh Tập, bà Demulder rút tấm ảnh từ trong túi mình ra và hỏi: “Có phải đây chính là anh không?”. Anh Tập gật đầu xác nhận. Rồi họ đã ôm chầm lấy nhau như hai người bạn lâu này gặp lại.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng nói: “Khuôn mặt anh Tập sau 20 năm vẫn không khác mấy. Đặc điểm để dễ nhận ra người cựu binh này là anh bị…hô”. Từ đầu mối này, ba người lính còn lại trên chiếc xe tăng ngày ấy mới “lộ” dần ra.
Ông Tùng kể: “Câu chuyện về 4 anh em trên chiếc xe tăng ngày ấy đã hút toàn bộ tâm trí tôi. Để làm bộ phim tài liệu về câu chuyện này thì không khó nhưng vấn đề là ai sẽ tạo điều kiện cho mình làm và đài nào chịu phát sóng? Vì đây là câu chuyện rất nhạy cảm lúc bấy giờ.
Ông Tùng kể: “Câu chuyện về 4 anh em trên chiếc xe tăng ngày ấy đã hút toàn bộ tâm trí tôi. Để làm bộ phim tài liệu về câu chuyện này thì không khó nhưng vấn đề là ai sẽ tạo điều kiện cho mình làm và đài nào chịu phát sóng? Vì đây là câu chuyện rất nhạy cảm lúc bấy giờ.
May mắn cho tôi là Đài Truyền hình Hà Nội đã đồng ý sẽ chịu trách nhiệm phát sóng. Vì 4 anh lính ấy ở trên địa bàn của 3 tỉnh Hải Hưng, Hà Tây và Hà Nội nên cả 3 đài truyền hình đều “vào cuộc”. Họ chịu cấp kinh phí để tôi làm phim. Tôi bắt tay vào thực hiện bộ phim “để đời” ấy trong niềm vui khôn xiết nhưng cũng đầy âu lo. Cuối cùng rồi sự thật về những người lính cùng chiếc xe tăng ấy cũng được mọi người biết đến”.
|
Phiên bản xe tăng 390 tại dinh Thống Nhất. Ảnh: T.L
|
Đạo diễn Phạm Việt Tùng nói rằng, ông đã theo chân đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30.4.1975 với hàng ngàn cú bấm máy để ghi lại thời khắc lịch sử, song cái thời khắc đáng nhớ nhất ấy ông cùng các đồng nghiệp Việt Nam lại không thực hiện được mà phải “nhờ” vào một nhà báo nước ngoài.
“Tôi đã kịp “đính chính” câu chuyện bi hùng ấy bằng một bộ phim về “bốn anh em trên một chiếc xe tăng”. Tôi xem đó như niềm an ủi cho một đời cầm máy quay và làm đạo diễn của mình”, ông Tùng kết thúc câu chuyện bằng một giọng chậm buồn như thế./.
TRẦN ĐĂNG