Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng Quảng Ngãi (24.3.1975 - 24.3.2019):
Chân dung một Anh hùng

10:03, 24/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một tinh thần thép, một trái tim nồng nàn tình yêu nước, hành trang chỉ có vậy, song những người con trên quê hương núi Ấn-sông Trà đã viết nên trang sử hào hùng, bất khuất và là niềm tự hào cho muôn đời sau. Một trong số các vị Anh hùng mà chúng tôi nhắc đến, đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quán.

TIN LIÊN QUAN

Về thăm lại các căn cứ cách mạng trong những ngày tháng ba lịch sử, trong mỗi chúng tôi trào dâng niềm xúc động về một Quảng Ngãi ngoan cường. Cùng đi có nguyên Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Thị Vân và ông Lê Trung Việt, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong kháng chiến. Thắp nén hương lên phần mộ các Anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Bút (TP.Quảng Ngãi), bà Vân và ông Việt dừng lại hồi lâu trước ngôi mộ liệt sĩ Trần Quán (Trần Anh Tế, sinh năm 1924), quê xã Phổ Ninh (Đức Phổ), nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi. “Hôm nay, em đến thăm anh. Em vẫn không sao quên được anh, một người anh, một người đồng chí rất mưu trí, dũng cảm, là tấm gương mà chúng em luôn cảm phục và noi theo”, bà Vân bùi ngùi nói. Bà Vân và ông Việt ngân ngấn nước mắt khi nhớ lại kỷ niệm và những câu chuyện từng nghe kể về Anh hùng Trần Quán.

Sống mãi hình ảnh người Anh hùng

Thời chống Mỹ ở Đức Phổ, đồng chí Trần Quán là một biểu tượng của tinh thần dũng cảm, nổi tiếng diệt ác, phá tề, là tấm gương để lớp trẻ noi theo lên đường giết giặc. Ông nguyên là Thường vụ Huyện ủy Đức Phổ, khi quê hương rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, có nhiều khu dồn, đồn bốt của địch chiếm đóng, ông vẫn quyết bám trụ trong dân, xây dựng cơ sở nòng cốt của cách mạng và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở nhiều địa phương. Về sau, đồng chí Trần Quán làm Bí thư Huyện ủy Mộ Đức. Năm 1964, Tỉnh ủy thành lập Ban Khởi nghĩa (mật danh T40) do đồng chí Trần Quán làm Trưởng ban. Đêm 8.2.1964 đồng chí Trần Quán phát lệnh khởi nghĩa, chỉ sau 1 giờ ta đã làm chủ một nửa xã Đức Phong (Mộ Đức), sau đó là toàn xã, được Khu ủy 5 tuyên dương “Xã 82 thành đồng”.

Bà Nguyễn Thị Vân và ông Lê Trung Việt thắp hương tại phần mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dânTrần Quán.  Ảnh: P.LÝ
Bà Nguyễn Thị Vân và ông Lê Trung Việt thắp hương tại phần mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dânTrần Quán. Ảnh: P.LÝ


Ông Việt kể, lúc bấy giờ địch xây dựng ấp chiến lược ở thôn Thạch Thang (xã Đức Phong). Đây là ấp chiến lược kiểu mẫu của chính quyền Sài Gòn ở Quảng Ngãi. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch. Với sự  linh hoạt, tài tình của đồng chí Trần Quán trong công tác vận động quần chúng, lấy ấp chiến lược của địch đã bị phá xây dựng thành làng chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng vùng giải phóng. Đây là thành quả cách mạng tiêu biểu, góp phần quan trọng mang lại vinh dự cho xã Đức Phong là xã đầu tiên trong cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ.

Bà Vân kể: “Anh Tế người nhỏ con mà đi nhanh thoăn thoắt. Ảnh thoắt ẩn, thoắt hiện, khó mà biết ảnh đi đâu, làm gì, có điều ảnh đi đến đâu là phong trào cách mạng nổi lên đến đó. Anh luôn giản dị với bộ quần áo bà ba, đầu chít khăn rằn, thường đi chân đất...”.

“Có bộ quần áo, miếng xà phòng, chiếc đồng hồ, cái radio... thầy đều cho các đơn vị hay anh em thiếu thốn. Một con người nhiệt tình cháy bỏng bao giờ cũng muốn xông vào nơi nguy hiểm, ác liệt, không chịu lùi bước trước gian khổ, hy sinh...”, trích cuốn hồi ký “Nhớ Trần Quán”, dòng lưu bút của một người đồng chí, một học trò của đồng chí Trần Quán, người từng là thầy giáo Trường Trung học Nguyễn Nghiêm  (1947-1955).     

Nhiều phen thoát chết

Mãi cho đến giờ, nhiều người vẫn còn nhớ những câu chuyện về sự mưu trí, dũng cảm của đồng chí Trần Quán, cũng nhờ đó mà đồng chí nhiều phen thoát chết. Ông Việt cho biết: Câu chuyện về anh Quán mà tôi luôn cảm phục, đó là năm 1963 địch mở trận càn lớn, bao vây xã Đức Phong. Anh Quán là người cuối cùng trong làng thoát ra cánh đồng Văn Hà trong trận càn hôm ấy. Quân địch rất đông, chúng bao vây cánh đồng, cho 300 con vịt rúc trong ruộng lúa để tìm bắt cho bằng được Trần Quán. Máy bay địch quần thảo trên bầu trời, chúng phát loa yêu cầu Trần Quán ra đầu hàng.

Ảnh chụp các thầy giáo Trường Trung học Nguyễn Nghiêm. Đồng chí Trần Quán (đầu tiên  bên trái hàng thứ hai). Ảnh chụp tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Quán, thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh (Đức Phổ).
Ảnh chụp các thầy giáo Trường Trung học Nguyễn Nghiêm. Đồng chí Trần Quán (đầu tiên bên trái hàng thứ hai). Ảnh chụp tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Quán, thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh (Đức Phổ).


Trận đó cứ nghĩ anh ấy không thoát được... Về sau, đồng chí Trần Quán kể lại rằng, vịt không thích chỗ nước chảy, vậy nên hôm đó anh nằm ngay trong mương, chỗ vị trí nước chảy, phủ cỏ và bùn khắp người. Cũng may là giống lúa cây cao nên địch không phát hiện. Khi trời về khuya, anh trét đất bùn dưới lòng bàn chân rồi đi theo hướng Quốc lộ, cố tình để cho địch phát hiện dấu chân nhằm đánh lừa địch rằng anh đã thoát lên núi, nhưng thực chất thì anh quay trở lại Đức Phong để tiếp tục hoạt động.  
 

Đồng chí Trần Quán vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012. Trong quá trình công tác, đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huy chương Kháng chiến chống Pháp, 1 Huân  chương Giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương Quyết thắng hạng Nhất,  1 Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Cũng tại xã Đức Phong, một lần khác, khi đồng chí Trần Quán vào làng vận động nhân dân vùng lên đấu tranh, thì gặp phải quân địch. Trong bộ dạng nông dân vác cày, đồng chí Trần Quán dõng dạc nói: “Đừng giỡn, đừng bắn lão già, tội chết...”. “Thế đấy, anh Quán luôn thoát được nguy hiểm như trở bàn tay”, ông Việt nói.

Nói đoạn, bà Vân, ông Việt khuôn mặt buồn thiu khi nhắc đến trưa ngày 7.2.1967, đồng chí Trần Quán hy sinh khi  trên đường từ cơ quan Thường vụ Tỉnh ủy về Ban Tuyên huấn bị địch thả bom B52 tại Bàu Sơn (nay là xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà).  Hài cốt đồng chí Trần Quán lúc bấy giờ được an táng tại khu mộ Bệnh xá C16 (Tư Nghĩa). Sau ngày quê hương được giải phóng, đồng chí Võ Trọng Nguyễn - Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Trưởng Ban Tuyên huấn cùng với ông Lê Trung Việt và nhiều đồng chí khác lên Sơn Hà, tìm gặp các già làng để hỏi thăm tung tích về nơi an táng đồng chí Trần Quán. Theo lời của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nơi chôn đồng chí Trần Quán đã được xác định, nhưng ông Việt cho biết tại đây lại có đến hai ngôi mộ. Nhưng rồi, giống như một sự mách bảo của trái tim, ngôi mộ đầu tiên bốc lên chính là nơi anh Trần Quán yên nghỉ, đồng đội và người thân của anh nhận ra ngay, vì đôi dép cao su, dây thắt lưng... của anh vẫn còn đó!

Không một từ ngữ nào có thể nói hết sự hy sinh của những Anh hùng liệt sĩ. Chỉ biết rằng, ở họ luôn rực cháy một tinh thần thép, một trái tim yêu nước đến nồng nàn. Họ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quán là một trong số những con người như vậy.


PHƯƠNG LÝ




             
           
 


.