(Báo Quảng Ngãi)- Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Bác Hồ đọc bài thơ chúc Tết “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Lời hịch đầu năm 1969 của Bác đã được quân dân cả nước ra sức thực hiện và giành thắng lợi sau đó 6 năm (Xuân 1975). Có điều không ngờ, đây là thơ chúc Tết cuối cùng của Bác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lời bài thơ là thông điệp Bác gửi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước với nhận định tình hình hết sức sáng suốt: “Cho dù có khó khăn, gian khổ đến mấy thì cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn, Mỹ sẽ cút, ngụy sẽ nhào, Bắc - Nam sẽ thống nhất”...
Giữa lúc quân và dân hai miền Nam - Bắc nói chung, quân và dân Quảng Ngãi nói riêng đang giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến, trong chiến dịch Thu Đông năm 1969, thì ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Quá bất ngờ và hầu như cũng không ai nghĩ đây là sự thật! Sau đó Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Bác Hồ từ trần đã được Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục để thông tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Đây là kênh thông tin rộng rãi nhất hồi đó, song ai có đài bán dẫn thì mới mở nghe được.
Tuy vậy, chỉ trong một ngày cái hung tin đột ngột đó đã đến với mọi người. Nhân dân vùng căn cứ miền núi, vùng giải phóng đồng bằng, nhiều người trong vùng địch kiểm soát vô cùng thương tiếc, nhiều gia đình vùng giải phóng, ở thị trấn, thị xã đã lập bàn thờ viếng Bác.
Thời gian này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo rất cụ thể, ra lời kêu gọi “cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước, kiều bào nước ngoài biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cách mạng XHCN đến thắng lợi hoàn toàn”... Từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 9 năm 1969, cả nước tổ chức trọng thể lễ tang Hồ Chủ tịch.
Ở Quảng Ngãi, ngày 9.9.1969, tại xã Trà Trung (Trà Bồng), Tỉnh ủy và Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Tại lễ truy điệu Bác, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động một đợt thi đua “Lập công đền ơn Bác, biến đau thương thành hành động Cách mạng”.
Tại thị xã Quảng Ngãi, Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ thị xã kết thúc thì được tin Bác mất. Quá bất ngờ, tuy chưa có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhưng Thị ủy nhanh chóng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ vào tối ngày 3.9. Thị ủy phát động cuộc vận động biến đau thương thành sức mạnh, ra sức xây dựng thực lực bên trong, trụ bám phát động quần chúng, vận động bà con thị xã, cơ sở cốt cán làm lễ truy điệu Bác.
Cùng với thị xã, hầu hết các huyện trong tỉnh, các đơn vị vũ trang đều tổ chức nghiêm trang lễ truy điệu Bác Hồ, để tang Bác. Chiếc băng tang nửa đỏ, nửa đen cài lên ngực đã trở thành biểu tượng thiêng liêng nhất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; băng tang Bác được mang theo vào các trận đánh, vào khu dồn, ấp chiến lược, trong những ngày hành quân, đi công tác, đến các cơ sở sản xuất, ai cũng cho đó là vật thiêng liêng phải giữ gìn trong những ngày tang lễ Bác, nhằm thể hiện lòng thương tiếc, kính trọng, biết ơn Hồ Chủ tịch.
Tỉnh Quảng Ngãi những ngày Bác đi xa cách đây 50 năm tuy có khó khăn, ác liệt, nhưng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã ra sức khắc phục, thực hiện đợt thi đua “Lập công đền ơn Bác”, càng thương nhớ Bác, ai cũng tự xác định cho mình sự nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt Di chúc của Bác đó là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Lời khẳng định, dặn dò của Bác đã trở thành sự thật 6 năm sau đó, cả nước đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc - Nam lại sum họp một nhà.
Lập công đền ơn Bác Thực hiện đợt thi đua do Tỉnh ủy phát động “Lập công đền ơn Bác”, mệnh lệnh phát ra từ cơ quan Tỉnh đội, các lực lượng vũ trang, đội công tác, các đơn vị, địa phương đã chấp hành nghiêm túc, lập phương án tấn công địch. Mở màn là trận đánh của Tiểu đoàn 48 bộ binh cùng du kích tấn công ấp Phú Nhuận, Xóm Mới (thuộc huyện Sơn Tịnh) tiêu diệt trên hai trăm tên địch, thu 15 súng, bắn cháy 5 xe tăng. Chiến trường Quảng Ngãi lại sôi động với các trận đánh ở cả đồng bằng, miền núi và thị xã, gây cho địch nhiều tổn thất, tạo thế bước vào chiến dịch Đông Xuân 1969 – 1970. |
VŨ TÙNG VI