Ðổi thay trên vùng đất biên giới Lạng Sơn

09:02, 15/02/2019
.
Cách đây 40 năm (ngày 17-2-1979) quân, dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cùng quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hôm nay, trở lại Lạng Sơn, tỉnh biên giới chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến, nhiều người ngỡ ngàng trước sự hồi sinh ngày càng giàu đẹp, mạnh về kinh tế, vững vàng về quốc phòng, an ninh.
 
Một góc TP Lạng Sơn với cột cờ Phai Vệ. Ảnh: XUÂN TAM
Một góc TP Lạng Sơn với cột cờ Phai Vệ. Ảnh: XUÂN TAM
 
Những ngày đầu năm, chúng tôi được người dân khu Dây Thép, thị trấn Ðồng Ðăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), chỉ lối lên khu đồi có vị trí cao nhất, đứng đây có thể nhìn bao trọn thị trấn, đó là pháo đài Ðồng Ðăng. Pháo đài do thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945, có một hệ thống lô-cốt kiên cố, được xây trên quả đồi có ba tầng ngầm, sức chứa hàng nghìn người, mục đích là để khống chế một khu vực rộng lớn tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Pháo đài chỉ cách đường biên giới hơn 1 km theo đường chim bay. Nơi đây, tháng 2-1979 từng diễn ra cuộc chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn.
 
Cựu chiến binh Vi Minh Xuân, có ngôi nhà nhỏ khiêm nhường nằm ngay lối lên pháo đài Ðồng Ðăng, trực tiếp dẫn tôi lên thăm pháo đài. Trong câu chuyện, được biết, quê anh Xuân ở đầu cầu Khánh Khê, huyện Văn Quan, cách thị trấn Ðồng Ðăng hơn 10 km. Năm 1972, anh Xuân tình nguyện đi bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ðến năm 1979, khi diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc, đơn vị anh được điều ra Bắc. Khi đang trên đường cơ động ra Bắc thì phía đối phương tuyên bố rút quân. 
 
Ðến năm 1980, anh Xuân rời quân ngũ trở về địa phương và tình nguyện ở lại tham gia sản xuất, trông coi pháo đài Ðồng Ðăng. Anh Vi Minh Xuân cho biết: Sau chiến sự năm 1979, cả thị trấn Ðồng Ðăng đều hoang tàn, đổ nát, ít bóng người qua lại; một số hộ gia đình mất không còn ai. Là cựu chiến binh, anh Xuân đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con trở lại làm ăn, sinh sống sau thời gian sơ tán.
 
Nhiều hộ gia đình được các cấp chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng giúp đỡ dựng lại nhà mới, ổn định cuộc sống. Bản thân anh Xuân tự khai phá mảnh đất ngay chân pháo đài để có chỗ trồng ngô, sắn, dựng nhà ở. Anh Xuân và nhiều người dân ở đây mong mỏi Nhà nước tu sửa lại pháo đài thành nơi tham quan du lịch, ôn lại lịch sử cho thế hệ mai sau.
 
Từ khi đất nước mở cửa hội nhập, thị trấn Ðồng Ðăng đã hồi sinh, khởi sắc. Chủ tịch UBND thị trấn Ðồng Ðăng Hoàng Thị Minh Thảo, phấn khởi cho hay: Là thị trấn giáp biên giới, nằm trên địa bàn có hai cửa khẩu quốc tế, gồm: đường sắt liên vận quốc tế và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho nên từ khi có sự giao thương giữa hai nước, đời sống của người dân đã không ngừng nâng cao.
 
Những năm 1990, thị trấn chỉ có hơn 1.680 hộ, với gần 10 nghìn nhân khẩu, đến nay đã tăng lên 13 nghìn hộ, với 41 nghìn nhân khẩu, trong đó hơn 90% dân số của thị trấn tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ... thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Từng là địa bàn đổ nát, hoang tàn sau cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, thị trấn Ðồng Ðăng được công nhận trở thành đô thị loại 4 từ cuối năm 2016.
 
Cũng như thị trấn Ðồng Ðăng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, có 21 xã và thị trấn ở Lạng Sơn bị thiệt hại nặng nề về người và kết cấu hạ tầng. Cuộc chiến đã lùi xa, nhiều dấu tích năm xưa không còn. Thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc, nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước là, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng phát triển. Nhờ đó, chỉ sau gần 30 năm, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, nhiều cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn đã được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương.
 
Trung tá Bùi Văn Tài, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Ðồng Ðăng) cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày có hơn 2.500 lượt người qua lại cửa khẩu, ngoài ra còn hàng nghìn tấn hàng hóa được thông quan. Các công trình hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn thiện, như: hệ thống kho hàng, bến, bãi; công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 hoàn thành đưa vào sử dụng, đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng...
 
Tại cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình), khi xảy ra cuộc chiến, nơi đây chỉ là một vùng nông thôn giáp biên giới. Nhưng đến nay, nhờ có sự hợp tác trao đổi hàng hóa, Chi Ma đã trở thành cửa khẩu sầm uất; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Yên Khoái là địa phương đầu tiên giáp biên của tỉnh Lạng Sơn được công nhận là xã nông thôn mới. Các xã giáp biên còn lại, nhiều năm qua được tỉnh đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình dự án, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống...
 
Khẳng định về sự phát triển hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, mặc dù còn tồn tại những điểm khác biệt, song hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển quan hệ hai nước, phù hợp nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
 
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phát huy mối quan hệ: "Trao đổi hợp tác ở vùng biên", tích cực triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh trên nhiều lĩnh vực, thương mại, đầu tư, quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu... Nhờ đó, hoạt động kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu qua địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước... Ðiều này góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị và giao lưu hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
 
Theo HÙNG TRÁNG/Nhân dân

.