40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17.2.1979 - 17.2.2019):
Ký ức không quên

10:02, 17/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những ngày tháng oanh liệt cách đây 40 năm, khi quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu trước cuộc tấn công của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

TIN LIÊN QUAN

Tròn 40 năm đã trôi qua, những người lính trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc vẫn lưu giữ vẹn nguyên ký ức những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt và anh dũng. Đó cũng là những tháng ngày mà mỗi một người dân đất Việt ghi nhớ trong tâm cốt, để rồi thêm tự hào và thêm yêu Tổ quốc mình!

"Kẻ thù buộc ta ôm cây súng"

Cựu chiến binh, Đại úy Phan Văn Y, quê Hà Tĩnh, hiện ở tổ dân phố 20, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) từng là lính của Đoàn 334. Đây là một trong những đơn vị tham gia chiến đấu tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, Vị Xuyên (Hà Giang) từ 1979 - 1991.

 Cựu chiến binh Phan Văn Y chỉ những đồng đội của ông trong chiến đấu  bảo vệ  biên giới phía Bắc.
Cựu chiến binh Phan Văn Y chỉ những đồng đội của ông trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.


Vẫn in đậm ký ức thiêng liêng ngày ấy, ông Y kể: Năm 1976, tôi nhập ngũ, vào Đoàn 334 (Quân khu 5) làm đường ở tỉnh Thuận Hải. Tháng 1.1979, tôi cùng anh em trong đơn vị ra Hoàng Liên Sơn làm đường N2 (Quảng Ninh - Hoàng Liên Sơn), để nối 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Tháng 2.1979, Trung Quốc bắn phá dọc biên giới. Lúc này, tôi được điều về Trung đoàn 1, Sư đoàn 314.

Từ đơn vị chuyên làm cầu đường, chúng tôi chuyển sang cầm súng chiến đấu ở Phong Thổ, Hoàng Liên Sơn, Mường Khương, đèo Ô Quý Hồ với quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Các trận đánh rất ác liệt, địch pháo kích suốt ngày đêm. Khi chúng tôi lên đèo Ô Quý Hồ, thì địch đã chiếm thị trấn Sa Pa. Qua trinh sát thấy địch tấn công Phong Thổ, Si Ma Cai, nên đơn vị được bố trí pháo 37ly, để từ điểm cao bắn chặn bước tiến của địch.

Tháng 8.1980, sau khi học tăng thiết giáp, ông Y được điều về Tiểu đoàn tăng 1018, F313 (Quân khu 2) án ngữ tuyến Hà Giang, Vị Xuyên. Tháng 4.1984, Trung Quốc đánh chiếm điểm cao 1509, 772, 250, 688, đồi Bốn Hồng... Sư đoàn 313 là đơn vị tiền tiêu ở mặt trận này. "Hồi đó, dù đã phòng ngự, nhưng vẫn bị mất điểm cao 1509, sau đó chúng ta điều nhiều đơn vị đánh chiếm lấy lại.  

Ông Y tiếp tục câu chuyện: Tại các điểm cao, địch ỷ thế quân số đông tràn lên đánh chiếm, quân ta kiên cường bám giữ từng tấc đất. Hồi đó, chúng tôi ý thức được phía sau mình là đồng bào, là quê hương, đất nước, nên không được phép lùi, phải khẳng định quyết tâm chiến đấu, buộc kẻ thù phải nhụt chí.

Cũng trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, cựu chiến binh Mai Tường, hiện ở tổ dân phố 11, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), từng là lính công binh ở tỉnh Thuận Hải được điều ra biên giới phía Bắc làm đường N2, với mục đích mở đường và chặn đường tiến của quân Trung Quốc. "Hành quân từ Nam ra Bắc, dọc đường các chiến sĩ của Đoàn 334 hát vang khúc ca “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Lời ca và bước chân đưa tiễn của hậu phương đã thôi thúc chúng tôi tiến bước và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biên cương”, ông Tường nhớ lại.

Ông Tường kể: Xuất phát từ Thuận Hải, những chiến sĩ trẻ của Đoàn 334 chúng tôi tiến thẳng lên Hà Giang chiến đấu. Ra đến nơi, chúng tôi chốt giữ ở Văn Bàng - Phong Uyên, gần thị xã Lào Cai sẵn sàng chiến đấu. Thấy địch không tấn công, đơn vị bắt tay mở đường N2 phục vụ các chiến trường. Mặc dù không cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng ông Tường luôn tự hào vì được có mặt ở một trong những nơi chiến sự nóng bỏng nhất, góp phần quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Làm thất bại âm mưu của địch

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, khi mối quan hệ của ta với Liên Xô khắng khít hơn, thì Trung Quốc lại tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, tăng lên 873 vụ năm 1977 và 2.175 vụ năm 1978), gây căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc nước ta. Khoảng 3 giờ 30 phút, ngày 17.2.1979, khắp tuyến biên giới, Trung Quốc bắn phá ác liệt. Quân Trung Quốc tiến công sang lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn, Cao Bằng; hướng quan trọng là Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên (nay là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang).

Trước sự tiến công của Trung Quốc, Chính phủ ta khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại “chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại” của quân Trung Quốc.

Cụ thể, tại Hoàng Liên Sơn, mờ sáng 17.2.1979, khi hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới, bắn pháo dữ dội, dân quân tự vệ cùng các lực lượng vũ trang tại chỗ đã dũng cảm đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương. Tại Cao Bằng, cả hai cánh quân của Trung Quốc đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc đánh vào khu vực thị trấn Đồng Đăng, song lực lượng dân quân địa phương quả cảm đánh trả mạnh mẽ, buộc quân xâm lược phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận...

Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Các sư đoàn Trung Quốc tiến công vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) bị lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh ở Phong Thổ. Trong khi đó, ở Hà Tuyên, Trung Quốc tấn công vào khu vực Thanh Thủy, Đồng Văn, Mèo Vạc, nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta. Tại Quảng Ninh, quân Trung Quốc tiến công vào Thán Phán (Móng Cái), Cao Ba Lanh (Bình Liêu), nhưng đều bị bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi các đợt tiến công.

Ngày 5.3.1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Do không đạt được mục đích đề ra, lại bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề; đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, nên cũng trong ngày 5.3.1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Thế nhưng, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Vì thế, suốt gần 10 năm sau đó, biên giới phía Bắc vẫn thường xuyên xảy ra đụng độ quân sự. Cụ thể là sau ngày 18.3.1979, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Từ tháng 4.1984 đến tháng 5.1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên lúc này trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống xâm lấn biên giới. Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, thì từ năm 1984 - 1989, hơn 4.000 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Đến giữa năm 1984, thì Trung Quốc chiếm các điểm cao 226, 233, 772, 1030, 1250, 1509... thuộc tỉnh Hà Giang. Trước sự xâm lấn của Trung Quốc, các Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành phản công giành lại các cao điểm của ta, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài, ảnh: BÁ SƠN


 


.