(Báo Quảng Ngãi)- "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Phóng viên Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc xung quanh vấn đề này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang chúc mừng Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc. Ảnh: T.ThUận |
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả bước đầu khi thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ các cấp?
Đồng chí Nguyễn Cao Phúc: Đến cuối năm 2018, ở cấp tỉnh và 12/14 huyện, thành phố đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất chủ trương thí điểm mô hình Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch MTTQ cấp xã ở những nơi có điều kiện. Hiện nay, xã Tịnh Giang và Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã thực hiện.
Đối với cấp cơ sở, tiếp tục triển khai mô hình Trưởng ban công tác mặt trận do bí thư, hoặc phó bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Toàn tỉnh hiện có 158/1.156 bí thư chi bộ là Trưởng ban công tác mặt trận; 157/1.156 phó bí thư chi bộ là Trưởng ban công tác mặt trận.
Hiệu quả trong quá trình nhất thể hóa một số chức danh là tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả chủ trương này từ nhiều năm trước, như huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt được nâng lên; tạo sự nhất quán trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa mặt trận và dân vận. Ở cấp xã, khi đồng chí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã thì vị thế, vai trò của MTTQ sẽ được nâng lên.
PV: Cùng với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, vấn đề quan trọng đặt ra đối với công tác dân vận và mặt trận hiện nay là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Cao Phúc: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang rà soát, xây dựng mô hình Cơ quan tham mưu giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội cấp huyện. Hiện tại, Lý Sơn đã xây dựng cơ quan Khối vận trên cơ sở hợp nhất các tổ chức đoàn thể. Thực tế, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều nhiệm vụ tương đồng, nên có nơi còn chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc hợp nhất các cơ quan này thành cơ quan Khối vận là cần thiết.
Nhiệm vụ cấp thiết đối với công tác dân vận và mặt trận trong giai đoạn hiện nay là phải nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận phải có kiến thức, hiểu biết sâu rộng thì mới thuyết phục, vận động được người dân; đồng thời huy động sự tham gia của các chuyên gia, đội ngũ trí thức trong công tác phản biện xã hội.
PV: Năm 2018 được chọn là "Năm Dân vận chính quyền". Vậy đồng chí có thể cho biết rõ hơn về kết quả thực hiện công tác này trong năm qua?
Đồng chí Nguyễn Cao Phúc: Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã kịp thời triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận với các nội dung sát với tình hình thực tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị, địa phương có cách làm hay, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra tại cơ sở.
Một số nơi thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công, nhưng ở tỉnh ta là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh là chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân. Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân. Tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục chọn chủ đề là "Năm Dân vận chính quyền", nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Thuận
(thực hiện)