Lan tỏa phong trào dân vận khéo (kỳ cuối)

02:12, 26/12/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ cuối: Làm những việc có lợi cho dân

Mỗi gương "dân vận khéo" là một cách làm, một nội dung vận động khác nhau, nhưng tựu trung là tấm lòng trong sáng, tinh thần tận tụy và cần mẫn phục vụ nhân dân như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm".

Vận động thực hành tiết kiệm

Hơn 10 năm qua, người dân ở xã Bình Thới (Bình Sơn) không còn tổ chức ăn uống linh đình trong việc hiếu hỉ, giỗ chạp... Khi người thân qua đời, đến ngày cúng giỗ, báo hiếu, người dân chỉ làm mâm cơm trong nội bộ gia đình. Việc làm này đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, giỗ chạp tại địa phương. Thành công của việc xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương có sự góp sức không nhỏ của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Thị Tình.

 

Đất xây dựng Nhà Văn hóa thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) do chị Đinh Thị Bôn (bên phải) tặng cho địa phương.
Đất xây dựng Nhà Văn hóa thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) do chị Đinh Thị Bôn (bên phải) tặng cho địa phương.


Hơn 20 năm làm công tác mặt trận, chị Tình luôn hăng say với công việc. Dù giờ đây, đa số người dân đã ý thức tiết kiệm trong việc tổ chức tiệc tùng, hiếu hỉ nhưng chị vẫn luôn đi tuyên truyền, vận động. Mỗi khi đến nhà dân, chị luôn nhắc đi nhắc lại là "phải tiết kiệm để xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa...". Với những gia đình trẻ, thường có tư tưởng "có qua có lại", thì chị càng đặc biệt quan tâm thuyết phục để họ hiểu.

Chị Tình cho biết: "Lúc đầu đi vận động cũng khó khăn lắm, vì những việc đó xưa nay đã thành "lệ làng" rồi, nên một số người dân không muốn thay đổi. Cá biệt, một số gia đình phản đối, vì cho rằng đó là chuyện của gia đình họ, nên họ muốn làm sao thì làm..." Nhưng với phương châm "lấy dân vận động dân", "mưa dầm thấm lâu", chị Tình đã tập trung tuyên truyền trong đảng viên, các hội viên nòng cốt của các hội, đoàn thể, nên từ một vài gia đình gương mẫu làm trước, đến nay 100% hộ dân ở xã Bình Thới đã thực hiện tốt cuộc vận động này. Gia đình nào có người thân qua đời, bà con tập trung đến viếng. Tiền phúng điếu đó dùng làm những việc có ích cho gia đình.

"Mỗi điển hình “Dân vận khéo” là một tấm gương có giá trị hun đúc từ thực tiễn. Các gương điển hình này lấy vận động thuyết phục làm chính, tập hợp được quanh mình nhiều người cùng tham gia, tạo thành khối đoàn kết, khơi dậy tiềm năng của nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giúp công tác dân vận của cả hệ thống chính trị ngày càng linh hoạt, phong phú, hiệu quả hơn".


Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban
MTTQ Việt Nam tỉnh
NGUYỄN CAO PHÚC


Xây dựng đời sống văn hóa

Mới 30 tuổi, nhưng nhiều năm qua chị Đinh Thị Bôn, dân tộc Hrê, ở thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương, như hiến đất làm nhà văn hóa, đóng góp ngày công làm đường giao thông. Chị Bôn còn tích cực vận động, tuyên truyền người dân tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Với những đóng góp đó, chị Đinh Thị Bôn là người dân tộc thiểu số duy nhất được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương "Những tấm gương bình dị mà cao quý" năm 2018, do Tỉnh ủy tổ chức đầu tháng 9 vừa qua.

Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Bờ Reo Đinh Văn Hải cho biết: "Dù còn trẻ, nhưng chị Đinh Thị Bôn rất biết chia sẻ, thấu hiểu cảnh vất vả của bà con khi phải đi họp nhờ, họp tạm trong nhà dân. Từ đó, gia đình chị đã tình nguyện hiến gần 300m2 đất để thôn xây nhà văn hóa".

Ngoài việc hiến đất, chị Bôn còn phối hợp với ban cán sự thôn đi tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng nhau hiến đất, góp ngày công để làm đường. Đến nay đã vận động được trên 350 ngày công lao động và trên 50 triệu đồng để xây dựng các công trình hạ tầng. Đặc biệt, chị còn gương mẫu di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Thấy chị Bôn thực hiện, 10 hộ dân chăn nuôi bò trong thôn đã làm theo, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thôn Bờ Reo là thôn ở xa, nghèo nhất và giao thông đi lại khó khăn nhất của xã Sơn Thượng. Toàn thôn có hơn 130 hộ thì có gần 50 hộ nghèo. Với mong muốn người dân có được cuộc sống khá hơn trước, chị Bôn đã tích cực tuyên truyền cho các hộ dân cùng tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình.

Chị Bôn cho biết: "Nhờ tham gia đầy đủ các cuộc họp do xã tổ chức, tôi đã nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên phải tuyên truyền lại cho những người xung quanh để họ biết. Nhất là việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, vừa sạch sẽ cho nơi mình ở, vừa không mang bệnh tật".

Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

Nằm dọc sông Thoa, hơn 110ha ruộng của thôn Hội An 1, xã Phổ An (Đức Phổ) giờ đã thực sự đổi thay, với hệ thống kênh mương, bờ vùng, bờ thửa liên hoàn, nhờ dồn điền đổi thửa. Sau 2 năm thực hiện, người dân trong thôn vẫn xem việc dồn điền đổi thửa là một "kỳ tích" tưởng như khó thành hiện thực. Chứng kiến những đổi thay từng ngày của làng quê, người dân Hội An 1 vẫn nhắc nhau rằng: Công lớn thuộc về Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Muộn đã bám dân, gương mẫu, tận tụy với công việc...

Đầu năm 2016, thôn Hội An 1 nhận chủ trương dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn. Với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, ông Nguyễn Muộn nhận thức rằng, đây là cơ hội để thôn có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, cũng như đưa các giống mới vào sản xuất theo hướng tập trung.

Chị Nguyễn Thị Tình (bên phải) đến nhà dân để tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh.
Chị Nguyễn Thị Tình (bên phải) đến nhà dân để tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh.


Nhớ lại những ngày đầu đi vận động người dân ủng hộ việc dồn điền đổi thửa, ông Muộn chia sẻ: "Ban Chỉ đạo của thôn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi tâm lý nông dân muốn làm theo cách "cào bằng", nhà nào cũng có ruộng tốt, ruộng xấu. Bởi lẽ, nếp nghĩ này đã tồn tại bao đời nay, dẫn đến diện tích canh tác của các hộ manh mún, cản trở việc cơ giới hóa sản xuất".

Với quyết tâm thay đổi nhận thức đó, ông Muộn đã tổ chức hàng chục hội nghị, tọa đàm giữa cán bộ thôn với người dân. Rồi hằng ngày, hằng tuần, ông đến từng hộ gia đình vận động, nói về lợi ích của việc dồn điền đổi thửa.

Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, ông Muộn tiếp tục vận động người dân nhận ruộng, vì lúc bấy giờ người dân thường có tâm lý so bì, nhà kia nhận ruộng tốt, nhà mình nhận ruộng xấu. "Để làm gương, đích thân tôi đã tự nguyện nhận phần đất xấu nhất của cánh đồng. Sau đó, 100% người dân trong thôn đã tin tưởng và vui vẻ nhận ruộng", ông Muộn cho biết. Nhờ đó, đến cuối năm 2016, thôn Hội An 1 đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, với tổng diện tích 110ha, đạt 100% kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, nhân dân trong thôn nhận ruộng và sản xuất trên diện tích vừa dồn điển đổi thửa đem lại năng suất cao. Nếu trước kia năng suất lúa chỉ đạt 55tạ/ha, thì sau dồn điền đổi thửa năng suất lúa đạt 65tạ/ha. Kết quả đó đem lại sự phấn khởi cho bà con trong thôn.

Hiệu quả của mô hình “Dân vận khéo trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa” ở thôn Hội An 1 đã tạo sức lan tỏa trong toàn xã. Nhờ đó, nhân dân thôn Hội An 2, An Thạch và An Thổ đã đồng tình hưởng ứng thực hiện tại các cánh đồng còn lại trong xã. Thành công này đã góp phần đưa Phổ An "cán đích" nông thôn mới vào cuối năm 2017.


Bài, ảnh: THANH THUẬN





 


.