(Báo Quảng Ngãi)- "Hôm ấy là ngày 22.9.2000, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về thắp hương tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Tôi không sao quên được hình ảnh bác Đỗ Mười rưng rưng nước mắt...", Nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phạm Thành Công xúc động nhớ lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhắc đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phạm Thành Công nhớ mãi hình ảnh một vị lãnh đạo Đảng gần gũi, chân chất, sâu sắc trong từng cử chỉ và lời nói. Ông Công kể, khu chứng tích lúc bấy giờ chỉ có 1 phòng trưng bày được xây dựng sau năm 1975. Chúng tôi mời Bác đi tham quan, nghe thuyết minh về di tích.
Bút tích của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết trong lần về thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ. |
Khi đứng trước những hình ảnh thường dân bị thảm sát, đồng chí Đỗ Mười rưng rưng nước mắt nói: Chúng ta khắc ghi vụ thảm sát để lên tiếng bảo vệ hòa bình; phải bảo tồn và gìn giữ di tích lịch sử, đây là minh chứng cho tội ác của chiến tranh. Sau đó, Bác đưa mắt nhìn tôi và căn dặn: "Chú là một nạn nhân còn sống sót của vụ thảm sát. Tôi mong chú cố gắng làm việc tốt, tăng cường trách nhiệm bảo vệ di tích cho mai sau; chú trọng đến việc tiếp đón khách tham quan, kể lại vụ thảm sát, để du khách đến đây có sự chia sẻ với đồng bào ta”.
Từng lời dặn dò của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã in sâu trong tâm trí ông Công từ ngày ấy đến giờ. Hình ảnh khiến mọi người cùng đi trong đoàn rất xúc động, đó là vừa viết những dòng lưu niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa rưng rưng nước mắt. Bác nhìn xung quanh nhà khách, rồi nói với anh em cùng đi trong đoàn: "Lần đầu tiên tôi về đây. Tôi chưa thấy tội ác nào đau đớn như vậy.
Nhiều gia đình tuyệt tự, mồ mả chôn tập thể. Tôi đau lòng lắm". Bác Đỗ Mười hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo địa phương: "Đời sống của bà con nhân dân sau ngày giải phóng đến nay làm có đủ ăn hay không? Các cháu có được học hành không? Các đoàn thể, tổ chức có quan tâm đến bà con nhân dân, những gia đình có nạn nhân bị thảm sát không?". Đồng chí Đỗ Mười nói: "Tôi không có dịp đi sâu vào làng xóm, nhờ các chú cho tôi gửi lời thăm đến đời sống của bà con nhân dân. Quê hương bị tàn phá khủng khiếp bởi chiến tranh, nhưng thấy màu xanh như thế này là tôi mừng lắm rồi". "Những lời hỏi han ân cần, gần gũi, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của từng người dân, từng cháu học sinh làm tôi nhớ mãi”, ông Công xúc động nói.
Bút tích của đồng chí Đỗ Mười ghi trong cuốn sổ lưu niệm trong lần về thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ đầy xúc động. “Ngày nay, chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, tôi mong Đảng bộ và nhân dân xã Tịnh Khê và huyện Sơn Tịnh phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong chống Mỹ cứu nước trước đây thành hành động anh hùng trong sự nghiệp xây dựng địa phương mạnh về kinh tế, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng- an ninh vững chắc, góp phần thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Đỗ Mười viết.
Hơn 18 năm qua, cuốn sổ lưu niệm được cán bộ, nhân viên ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ lưu giữ cẩn trọng. “Thực hiện lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, những năm qua, tập thể cán bộ và nhân viên ở Ban quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ luôn nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, để nơi đây trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời cũng là nơi mang thông điệp yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh phi nghĩa", Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Cao Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG