Lá cờ cách mạng trên đỉnh núi "Rồng"

09:09, 04/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Núi Long Phụng, chùa Ông Rau ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) không chỉ là thắng cảnh, mà còn là một trong những cơ sở cách mạng gắn với phong trào chống Pháp và tay sai trong cao trào cách mạng 1930-1931 và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi.


Từ trung tâm xã Đức Thắng đi theo hướng đông chừng 3km là đến bãi biển Tân Định, nơi có dãy núi Long Phụng chạy dọc theo bờ biển. Ở sườn đồi phía đông của núi là di tích chùa Ông Rau. Bao bọc quanh dãy núi Long Phụng là biển và những cách đồng lúa trù phú.

 

Bia di tích thắng cảnh núi Long Phụng, chùa Ông Rau.
Bia di tích thắng cảnh núi Long Phụng, chùa Ông Rau.


Ngôi chùa là một hang đá lớn nằm cách chân núi cao hơn chục mét, có bậc tam cấp bằng đá ong để lên xuống. Ông Trần Văn Nầy (84 tuổi), đang lau dọn ở  chùa cho biết: Đây là ngôi chùa cổ, không có người ở từ thời chiến tranh. Nơi đây rất linh thiêng nên dân làng thay nhau lo hương khói và cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ cách mạng.
 

Thắng cảnh núi Long Phụng và di tích chùa Ông Rau có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Chính quyền địa phương đang kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch tại khu vực này. Đường đến chùa Ông Rau vừa được địa phương đầu tư xây dựng bằng bêtông, chạy dọc theo bãi biển Tân Định, nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan. Hiện đã có một doanh nghiệp xin đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng ở nơi này.


Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Thắng NGUYỄN THỊ THU

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Đức Thắng, ngày 8.10.1930, trong khi Tỉnh ủy tổ chức lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm huyện đường Đức Phổ, thì tại đỉnh núi Long Phụng cũng xuất hiện lá cờ Đảng, đánh dấu tổ chức Đảng và Việt Minh đã xây dựng cơ sở ở đây, để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Cùng với việc xuất hiện cờ Đảng trên núi Long Phụng, hàng nghìn quần chúng ở các xã Đức Thắng, Đức Lợi nhất tề nổi dậy “chia lửa” với cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ trong ngày 8.10.1930. Từ sự kiện này, Quảng Ngãi trở thành trung tâm của cao trào cách mạng giai đoạn 1930-1931 ở Trung Kỳ.

Núi Long Phụng gồm núi Đá Bạc và núi Đất dính liền nhau dài khoảng 2km, rộng 800m, cao khoảng 100m. Núi chạy dọc theo bờ biển trải dài qua 3 thôn của xã Đức Thắng. Không chỉ mang dáng dấp “rồng”, “phượng” mà với địa hình chạy dọc theo bờ biển như là bức tường thành vững chãi che chắn cho xóm làng.

Trên núi có nhiều đá ong và rừng phi lao. Địa thế hiểm trở, nên núi Long Phụng được chọn để làm căn cứ của cách mạng từ những ngày đầu có tổ chức đảng được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm sau này.

Tháng 4.1945, tổ chức Việt Minh ở xã Đức Thắng đã tổ chức cuộc mittinh tại chùa Ông Rau với sự tham dự của hàng nghìn quần chúng, phát động phong trào đấu tranh chống Nhật – Pháp.

Phong trào cách mạng ở Đức Thắng phát triển mạnh mẽ, chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã phát triển được hàng nghìn hội viên nông dân, phụ nữ, phụ lão, thanh niên cứu quốc. Đội du kích gồm 30 nông dân và 20 thanh niên ngày đêm luyện tập. Sau đó trung đội du kích của xã được gia nhập đội Hoàng Hoa Thám của Đội du kích Ba Tơ ở Núi Lớn.

Ngày 14.8.1945, lệnh khởi nghĩa được thực thi tại vùng Đức Thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và cán bộ Việt Minh, dân làng ở Đức Thắng, Đức Lợi nhất tề nổi trống, gõ mõ... Chỉ trong một đêm 14.8.1945, người dân ở tất cả 8 làng trên địa bàn xã Đức Thắng đã nổi dậy đập tan bộ máy cai trị do Pháp và Nhật dựng lên tại đây.

Từ cơ sở cách mạng đặc biệt này, lịch sử cũng ghi chép vùng Đức Thắng là nơi có phong trào lạc quyên, đóng góp cho cách mạng sôi nổi nhất. Quần chúng đã dùng thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí ngược dòng sông Vệ cung cấp cho lực lượng vũ trang ở chiến khu Núi Lớn. Ghi nhận những giá trị lịch sử và văn hóa ấy, tháng 9.2003, UBND tỉnh đã công nhận núi Long Phụng và chùa Ông Rau là di tích lịch sử cấp tỉnh.


 Bài, ảnh: XUÂN THIÊN



 


.