Đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7

09:09, 27/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều... Đây là yêu cầu cần thiết, nhằm khắc phục khâu yếu trong công tác đánh giá cán bộ lâu nay.

TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết 26 đã nêu rõ, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu “việc đánh giá cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu nhiều nơi chưa thực chất, khen là chủ yếu; chưa lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo; chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc còn xem nhẹ, làm lướt. Không ít cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự”.

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa huyện Đức Phổ.
Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa huyện Đức Phổ.


Với thực trạng nêu trên, Nghị quyết 26 đặt ra yêu cầu đột phá trong công tác đánh giá cán bộ là phải đổi mới, thực hiện đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Trung ương xác định nhiệm vụ này là khâu đột phá. Điều đó cũng cho thấy tính cấp thiết của công tác đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
 

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kết quả đánh giá phân loại năm 2017 đối với 1.491 cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, có 281 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 1.133 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 60 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và 17 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ. Một số địa phương, đơn vị đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại khuyết điểm, đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với thực tế của từng đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ cũng thừa nhận đây là khâu yếu của đảng bộ tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng: Không đánh giá thực chất, cứ “cào bằng”, thì cán bộ giỏi mất động lực cống hiến, cán bộ yếu kém không chịu sức ép phải vươn lên, kết quả công việc làng nhàng, không có đột phá. Vì không đánh giá thực chất, nên không thể lựa chọn “đúng người, đúng việc”, càng không biết chính xác cần đào tạo, bồi dưỡng gì cho cán bộ... Vì lẽ đó, cần thiết phải đổi mới, nhất thiết phải đổi mới để việc đánh giá cán bộ thực chất hơn vì dựa trên định lượng, tức là hiệu suất công việc mà không phải là định tính như trước đây.

Đánh giá là khâu mở đầu để thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở đặc biệt quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc, đãi ngộ cán bộ. Nếu đánh giá đúng sẽ tạo ra động lực phát triển; còn ngược lại, đánh giá không thực chất, không khách quan ắt sẽ dẫn đến những sai lệch trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc cán bộ, thậm chí còn tạo cơ hội để một số cán bộ lợi dụng kết quả đánh giá cán bộ để chạy thành tích, chạy thi đua khen thưởng, chạy chức, chạy quyền...

Điểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ... Để làm tốt việc này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.  Đó không chỉ là sự mong mỏi của cấp ủy các cấp, mà còn là niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong việc lựa chọn “công bộc của dân”.


Bài, ảnh: THANH THUẬN


 


.