(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai hiệu quả hoạt động phản biện xã hội, với nhiều hình thức sáng tạo. Những vấn đề phản biện đều liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Năm 2018, Nhà Văn hóa xã Phổ An (Đức Phổ) xây dựng khang trang đi vào hoạt động. Để duy trì nền nếp cho nhà văn hóa này, UBND xã đã dự thảo quy chế hoạt động. Theo đó, hằng tháng, UBND xã sẽ trích kinh phí duy trì các hoạt động chăm sóc cảnh quan, chi trả tiền điện... Khi tiếp cận dự thảo trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An đã có những phản biện, để nhà văn hóa thực sự là nơi phục vụ cho người dân và giảm chi phí. Đó là, chi phí chi trả cho hoạt động của nhà văn hóa sẽ dùng từ nguồn xã hội hóa.
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An (Đức Phổ) có nhiều phản biện về quy chế hoạt động của nhà văn hóa xã. |
Cụ thể, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng sân nhà văn hóa để tổ chức đám cưới, tiệc liên hoan hay các sự kiện khác, thì phải đóng góp kinh phí. Tùy từng sự kiện sẽ có mức đóng góp khác nhau, nhưng không quá 1 triệu đồng/lần. Số tiền thu được dành để trả tiền điện, nước, dọn dẹp vệ sinh... Thấy góp ý của MTTQ xã hợp lý, người dân trong xã đồng tình, nên UBND xã Phổ An đã đưa nội dung này vào quy chế.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An Nguyễn Bay, mỗi năm MTTQ xã chọn từ 3 - 4 nội dung để phản biện. Để các phản biện thật sự vì lợi ích của dân, vì sự phát triển của địa phương, MTTQ xã thường xuyên tổ chức các hội nghị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. “Phản biện xã hội của MTTQ xã phải sát với thực tiễn của địa phương, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, ông Bay nhấn mạnh.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức phản biện đối với 7 dự thảo đề án của Tỉnh ủy; 11 dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh và 7 dự án, chương trình. Đây là những đề án, chương trình liên quan đến chủ trương, chính sách lớn của tỉnh. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản của Tỉnh ủy, như báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về phát triển kinh tế tư nhân; Quy định về giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; dự thảo Quy định Đề án thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và hàng chục các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của tỉnh...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Hòa, công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã tập trung vào những việc liên quan đời sống, việc làm của người dân. Thông qua hoạt động phản biện đã góp phần nâng cao vai trò của MTTQ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bài, ảnh: NG.TRIỀU