Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

10:07, 03/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tạo bước chuyển biến rõ nét ở các TCCSĐ trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của TCCSĐ.

Cấp ủy chi bộ thôn Thạch By II, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) họp giao ban định kỳ.                                                                          Ảnh: BS
Cấp ủy chi bộ thôn Thạch By II, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) họp giao ban định kỳ. Ảnh: BS


Công tác lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội ở những địa bàn, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên được quan tâm thực hiện. Nhờ đó đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh có chi bộ, đảng viên. Việc thực hiện chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ ở cơ sở đạt kết quả tích cực. Các địa phương đã luân chuyển 101 cán bộ, công chức về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã và tuyển chọn, đào tạo, bố trí hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy về công tác tại các xã, phường, thị trấn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc đưa trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ở cơ sở, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ngoài ra, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị cho 3.095 lượt cán bộ, công chức cấp xã.
 

Toàn tỉnh hiện có 1 xã của huyện Tây Trà và 1 xã của TP.Quảng Ngãi thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; 126/184 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã; 530 tổ chức cơ sở đảng thực hiện mô hình thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp đồng thời làm bí thư cấp ủy cơ quan, doanh nghiệp.

Nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ từng bước được đổi mới, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nhất là tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nâng cao. Các mô hình TCCSĐ dần được kiện toàn và hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sự thống nhất chung, phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo Điều 30, Điều lệ Đảng đã đi vào nền nếp. Công tác dân vận của chính quyền các cấp, bước đầu phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của một số TCCSĐ chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Phát triển đảng viên trong các thành phần kinh tế, địa bàn nông thôn, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Một số đảng bộ, chi bộ cơ sở chưa coi trọng việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, còn để tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng. Ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát...

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, sắp xếp lại các tổ chức đảng phù hợp với việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo nguồn cán bộ trẻ và kiện toàn cấp ủy, bí thư chi bộ ở  vùng sâu, vùng xa...


 HỒ NGỌC VĂN



 


.