Sơn Mỹ, vượt lên nỗi đau- Kỳ 2: Thông điệp cho hòa bình

09:03, 15/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến với Khu Chứng tích Sơn Mỹ, dù là người Việt Nam hay du khách quốc tế đều cảm thấy nhói lòng khi tận mắt xem những hình ảnh được trưng bày tại đây, dù vụ việc xảy ra cách đây đã 50 năm. Đấy là hồi chuông cảnh tỉnh về những nỗi đau do chiến tranh gây ra...

TIN LIÊN QUAN

Một buổi sáng trung tuần tháng Ba, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi về vụ thảm sát Sơn Mỹ, đôi mắt bà Cao Thị Hồng Hạnh- Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ bỗng dưng đỏ hoe. Bà Hạnh nghẹn ngào, nói: Vụ thảm sát đó đã gây chấn động nhân loại về tội ác chiến tranh.

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, nơi đây đón rất nhiều người trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trong đó có cả những cựu chiến binh đến từ nước Mỹ xa xôi. Tất cả họ đều thinh lặng trước nỗi đau quá lớn của người dân Sơn Mỹ...

Nói sự thật về Sơn Mỹ...

Đưa tay về phía những bức ảnh được treo trang trọng trong gian trưng bày, bà Cao Thị Hồng Hạnh, nói: Đằng sau nỗi đau mà nhân dân Sơn Mỹ phải hứng chịu, chúng ta cũng phải nói lời cảm ơn đến trung sĩ Ronald Haeberle- nhiếp ảnh viên của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, người đã cho thế giới biết sự thật về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

  Hằng năm, cứ đến ngày 16.3, ông Billy Kelly - cựu binh Mỹ (giữa) mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ cầu mong cho hòa bình.
Hằng năm, cứ đến ngày 16.3, ông Billy Kelly - cựu binh Mỹ (giữa) mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ cầu mong cho hòa bình.

Theo bà Hạnh, tất cả những hình ảnh chúng ta có được về vụ thảm sát Sơn Mỹ là do Ronald Haeberle chụp được. Hôm đó, Haeberle được lệnh cùng đại đội Charlie hành quân vào “Làng Hồng”, với tư cách phóng viên chiến trường. Sau vụ thảm sát, Haeberle chỉ nộp 40 ảnh đen trắng cho quân đội Mỹ và giữ lại 18 bức ảnh màu. Đến 14 tháng sau, Ronald Ridenhour- một lính Mỹ từng tham chiến ở Quảng Ngãi những năm 1967-1968, là người đầu tiên quyết tâm đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra công luận thế giới bằng cách gửi lá thư kể lại toàn bộ vụ thảm sát mà ông nghe được từ một người bạn.
 

Trao Kỷ niệm chương cho ông Mike Boehm

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, cho biết: Sắp đến, Hội LHPN tỉnh sẽ trao Kỷ niệm chương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho ông Mike Boehm, nhằm ghi nhận những cống hiến của ông cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Quảng Ngãi.

Sau đó, Ronald Haeberle cho công khai những bức ảnh màu mà ông chụp được, với mong muốn thế giới phải biết sự thật về Sơn Mỹ, để nhân loại không phải hứng chịu thêm một vụ thảm sát như Sơn Mỹ. Bà Hạnh cũng cho biết, sau khi những bức ảnh được công khai, một phóng viên người Nhật sống tại Mỹ đã mua lại số hình trên, rồi sang lại cho Tạp chí LIFE của Mỹ, để đăng công khai trên tạp chí này. Sau này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mua lại 11 bức ảnh, với giá 11.000 USD.

Đến năm 1988, nhân tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, kênh truyền hình Yorkshire của Anh đã về  Sơn Mỹ thực hiện bộ phim “Remember My Lai”. Sau khi làm xong phim, đoàn đã tặng lại bộ ảnh mà họ đã cất công sưu tầm tại nước Mỹ cho Khu Chứng tích, gồm 40 ảnh đen trắng. Đây là những tư liệu chân thực, vô cùng quý giá, qua đó giúp nhân dân Việt Nam và bạn bè, du khách quốc tế hiểu rõ hơn những gì mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Sơn Mỹ cách đây 50 năm.

Kết nối tình người

Đến với Khu Chứng tích Sơn Mỹ, thông qua những tấm ảnh, mọi người sẽ cảm nhận được sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ của một làng quê Sơn Mỹ thanh bình sau những biến cố đau thương; được thấu hiểu và sẻ chia những tình cảm đầy ắp tình người, đúng như lời chia sẻ của một du khách Mỹ có tên Mike Tamara: "...Tôi rất khâm phục khả năng vượt qua gian khổ của người dân Việt Nam và rất biết ơn họ đã chấp nhận người Mỹ quay lại Việt Nam...".

Chàng rể Bruno tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em Sơn Mỹ.
Chàng rể Bruno tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em Sơn Mỹ.


Những dòng cảm tưởng của khách thập phương ghi trong quyển sổ lưu niệm khi thăm Sơn Mỹ đều thể hiện tâm trạng bàng hoàng, phẫn nộ, cảm phục thương yêu và cả những lời sám hối chân thành. Một du khách đến từ nước Mỹ tên Costos Chrict, bộc bạch: "...Hãy nhớ rằng, Mỹ Lai góp phần mang lại hòa bình ở mọi nơi”. Thông điệp ấy cũng đã làm lay động ông Billy Kelly, một cựu binh Mỹ. Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 16.3, ông Billy Kelly đều mang 504 đóa hoa hồng đặt dưới chân tượng đài Khu Chứng tích Sơn Mỹ, kèm theo tấm thiệp chia sẻ đau thương với gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát. Ông cầu nguyện không còn cảnh chiến tranh, chung tay xây dựng vì một thế giới hòa bình.
 

Kristen Roy đến từ nước Mỹ, viết: Là con gái của một chiến binh Mỹ ở Việt Nam, tôi vẫn luôn luôn cảm thấy khó hiểu về một nỗi bí ẩn nào đó tận sâu trong tâm hồn của cha tôi về Việt Nam. Tôi không thể nói rằng tôi hiểu đầy đủ điều này và tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu cả, nhưng vài tuần vừa qua ở Việt Nam tôi thấu hiểu nỗi niềm của cha tôi và đồng đội của ông cũng như hiểu về con người Việt Nam xinh đẹp và sức mạnh của họ. Hãy để chiếc cầu nối bằng hữu này tiếp tục phát triển ngày một vững mạnh và về phần tôi sẽ làm hết sức mình để sự hiểu biết này chẳng bao giờ bị phá vỡ lần nữa”.

Còn với cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm, cứ đến ngày tưởng niệm vụ thảm sát, ông lại về Sơn Mỹ kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài. Trong khói hương nghi ngút, tiếng vĩ cầm đã đi vào lòng người, bởi những sẻ chia đau thương với người dân nơi đây. Đó là bản nhạc “Ashokan Farewell- Vĩnh biệt Ashokan", do ông tự sáng tác hướng về những nạn nhân của vụ thảm sát. Không chỉ vậy, ông Mike Boehm và Tổ chức Madison Quakers, Inc (MQI) còn có những nghĩa cử vô cùng nhân văn, đã giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... ở những nơi chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, như Sơn Mỹ, Khánh Giang- Trường Lệ...

Ông Phan Văn Đỗ - đại diện Tổ chức MQI tại Việt Nam, cho biết: Lúc đầu ông Mike Boehm chỉ dành dụm được 3.000 USD để giúp đỡ. Nhưng rồi suốt 25 năm qua, ông đã lặng lẽ quyên góp giúp vốn làm ăn cho hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi, với số tiền hàng tỷ đồng. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, cho biết: Tổ chức MQI đang hỗ trợ 14 dự án cho phụ nữ 5 huyện, thành phố, với số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Với những nghĩa cử đó, Hội LHPN tỉnh đã kết nạp ông Mike Boehm làm hội viên danh dự. Ông Mike Boehm còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch cho các trường học ở Quảng Ngãi. Nay, dù đã bước qua tuổi 71, nhưng ông Mike Boehm vẫn tự nhủ sẽ tiếp tục trở lại Quảng Ngãi, tình nguyện làm cầu nối với bạn bè quốc tế, để chung tay xoa dịu đau thương ở mảnh đất này.

Ông Bruno Cerignat (54 tuổi), từng dạy tiếng Pháp tại TP.Hồ Chí Minh thì đã theo tiếng gọi con tim, nên đã về quê vợ để sinh sống ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Chia sẻ với trẻ em Sơn Mỹ trong việc tiếp cận tiếng Anh, nhất là kỹ năng nói, ông Bruno đã thành lập CLB tiếng Anh. Sau 2 năm thành lập, đến nay CLB này đã có 30 thành viên là học sinh lớp 4 và lớp 5 của Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê. Giáo trình mà Bruno mang theo chỉ vỏn vẹn hộp nhạc và tờ giấy ghi vắn tắt một số từ vựng. Tiết sinh hoạt của CLB chỉ đơn giản là nghe nhạc và thực hiện các động tác trực quan, cùng những câu nói giao tiếp giữa thầy và trò.

“Tôi rất vui và hạnh phúc khi các bạn nhỏ đến với CLB”, Bruno phấn khởi, nói. Tham gia CLB còn có cô giáo Cao Thị Bích Lựu. Nhiều em là thành viên của CLB đã tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi cấp thành phố và cấp tỉnh. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất đối với các em là được giao tiếp với người bản ngữ, góp phần nâng cao các kỹ năng trong giao tiếp, giúp các em tự tin thể hiện bản thân khi nói chuyện với người nước ngoài.


Bài, ảnh: M.HẠ - TR.PHƯƠNG
 

---------------------

Kỳ cuối: Vươn mình xây dựng cuộc sống mới



 


.