(Báo Quảng Ngãi)- Tròn 45 năm sau ngày giải phóng, huyện miền núi Ba Tơ đã khoác lên mình chiếc áo mới. Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đã nỗ lực vươn lên và tạo nên những kỳ tích trong thời đại mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Về Ba Tơ hôm nay, chúng ta không khỏi bất ngờ với những đổi thay mạnh mẽ. Những cánh rừng keo bạt ngàn, những xóm làng trù phú, những con đường nhựa chạy đến tận những xóm làng nơi chân núi và văng vẳng bên tai tiếng nô đùa của các em học sinh dưới mái trường xanh mát...
Thay da đổi thịt từng ngày
Tuyến Quốc lộ 24 dẫn về trung tâm huyện Ba Tơ vừa mới được nâng cấp mở rộng, uốn lượn một vệt dài thênh thang xuyên qua những cánh rừng keo, kéo theo biết bao niềm vui, hy vọng, bởi dáng dấp của một đô thị mới đang dần hình thành. Đường lớn đã mở, về Ba Tơ vào những ngày cuối tháng 10, hai bên đường ngập sắc đỏ của cờ hoa, biểu ngữ như tô điểm thêm cho một ngày trọng đại. Ngày mà cách đây 45 năm, quân và dân Ba Tơ sau 45 ngày đêm anh dũng, kiên cường, không ngại hy sinh gian khổ, đứng lên chiến đấu, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Ba Tơ. Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết bảo, máu xương của biết bao cha anh đã đổ xuống để cho Ba Tơ hôm nay được khoác lên mình mầm xanh mãnh liệt của sự sống.
Quốc lộ 24 được đầu tư bài bản tạo ra động lực lớn để Ba Tơ cất cánh. |
Và như để chứng minh cho những khát khao cống hiến, những nỗ lực không biết mệt mỏi, kể từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ đã không ngừng phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu trong thời kỳ đổi mới. Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người chưa đến 10 triệu đồng/năm vào thời điểm trước năm 2000, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được ổn định và ngày càng được nâng cao. Không chỉ “ăn no, mặc ấm” mà một bộ phận dân cư đã có điều kiện để hướng đến “ăn ngon, mặc đẹp”, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; các chỉ tiêu KT-XH hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch của tỉnh giao. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, thế mạnh của Ba Tơ là lĩnh vực nông- lâm nghiệp, nên những năm qua, huyện đã mạnh dạn ứng dụng nhiều tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Nhờ đó, năng suất, sản lượng và thu nhập của người dân tăng lên một cách rõ rệt, góp phần “thay áo mới” cho vùng đất nghèo khó này. “Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đối với người dân địa phương là rất khó khăn, mọi việc phải cử cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn, cầm tay chỉ việc. Nhờ kiên trì, nên mọi việc diễn ra thuận lợi", ông Trần Trung Triết cho biết.
Năm 2017, năng suất lúa bình quân của huyện đạt trên 60 tạ/ha. Rừng sản xuất đã phủ xanh đất trống, đồi trọc, cùng với việc phát triển đàn gia súc đã thúc đẩy giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp năm 2017, ước đạt 710,93 tỷ đồng. Song song với phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp. Huyện cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đến nay, Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ và Cụm công nghiệp Ba Động đã hình thành và đang phát triển, nhiều doanh nghiệp đã quyết định đầu tư vào huyện và đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tính đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 309 tỷ đồng. Các loại dịch vụ cũng đã hình thành, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ năm 2017 ước đạt 164,9 tỷ đồng.
"Chúng tôi tin, với bề dày truyền thống lịch sử anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường mới. Chặng đường của sự giàu có và trù phú trên mảnh đất ATK này”, ông Triết quả quyết.
Bước ngoặt về hạ tầng
Là huyện miền núi, việc phát triển hạ tầng giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn ngân sách eo hẹp. Không nản lòng trước khó khăn, trở ngại, những năm sau ngày giải phóng, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ ra sức mở đường. Dần dần những tuyến đường đất được thay thế bằng đường nhựa, bê tông. Đến nay, hạ tầng giao thông ở Ba Tơ đã có những bước đột phá. Hình ảnh những con đường đất dẫn về làng Mâm (Ba Bích), Ba Nam, Ba Lế... đang dần lùi xa vào quá khứ. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện được cứng hóa, nhiều tuyến đã được nhựa hóa, bê tông đến tận các thôn, xóm.
Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng huyện Ba Tơ đã đổi thay nhanh chóng. Trong ảnh: Một góc thị trấn Ba Tơ hôm nay. |
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, chia sẻ: Để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, một trong những điều kiện cần là hạ tầng giao thông phải đảm bảo, có đường thì mới trung chuyển hàng hóa thuận lợi, việc đi lại mới dễ dàng. Cùng với nguồn vốn “cứng” dành cho hạ tầng giao thông, những năm qua huyện đã kết hợp, lồng ghép rất nhiều nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện đạt khoảng 40%. Trong đó, tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 47%, đường xã 62%.
Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học, hệ thống kênh tưới nước, hồ đập... Nếu như trước đây, hệ thống trường học ở Ba Tơ rất tuềnh toàng, thì nay hầu hết các điểm trường đều được xây dựng kiên cố. Từ phòng học, bàn ghế, đến nơi ăn nghỉ của học sinh, giáo viên đều được làm mới, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Cánh đồng ruộng lúa nước thôn Nước Tiên, xã Ba Dinh có diện tích 17ha, trước đây người dân chỉ sản xuất được một vụ trong năm, nhưng sản lượng đạt rất thấp do thiếu nước tưới. Tuy nhiên, kể từ khi đập Nước Tiên và hệ thống kênh dẫn nước được đầu tư bài bản, đã giúp người dân nơi đây canh tác 2 vụ/năm và sản lượng lúa đạt năng suất cao.
Tự tin tiến bước
Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước được đưa đến tận hộ gia đình, đã tạo được bệ phóng, đưa bình quân lương thực có hạt đạt trên 520,6kg/người/năm; thu nhập bình quân 20,35 triệu/người/năm, thu ngân sách đạt chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5-7%. Thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm, riêng năm 2017, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7%.
Không chỉ phát triển nông nghiệp, những năm qua huyện Ba Tơ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, đã tạo nên sức bật cho huyện trong phát triển kinh tế-xã hội. |
Theo ông Trần Trung Triết, với bề dày lịch sử trong chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, giặc dốt và với một nền tảng vững chắc như hiện nay, các mục tiêu đặt ra để thực hiện trong thời gian tới không quá khó. Nhưng để phát triển hơn nữa, Trung ương, tỉnh cần hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn cho huyện, nhất là đầu tư vào hạ tầng giao thông, hỗ trợ sản xuất từ các mô hình kinh tế hiệu quả.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ không thiếu quyết tâm, bởi chúng tôi đang sống trên chính mảnh đất có truyền thống hào hùng, bất khuất. Cái chúng tôi thiếu là những hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ nguồn vốn đầu tư. Bởi với hiện trạng của hạ tầng giao thông hiện nay, thì chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, trong khi giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Tôi tin, nếu được đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông, Ba Tơ sẽ giàu lên nhanh”, ông Triết chia sẻ.
Bài, ảnh: L.ĐỨC-N.VIÊN