Đặt đạo đức người làm báo lên hàng đầu

12:06, 21/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề báo là một nghề đặc biệt, vì lẽ báo chí có tác động lớn đến dư luận xã hội. Bởi vậy, đạo đức người làm báo phải được đặt lên hàng đầu.

TIN LIÊN QUAN

Dù cho lịch sử đã qua từ rất lâu, nhưng châm ngôn của tờ báo Tiếng Dân, do cụ Huỳnh Thúc Kháng-một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, đồng thời cũng là một nhà báo lỗi lạc của lịch sử nước nhà sáng lập vào năm 1927, đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự, có ý nghĩa sâu sắc đối với những người làm báo, đó là “tâm sáng, bút sắc”.

Đôi điều suy ngẫm về nghề báo  

Nghề báo là một nghề rất đỗi vinh quang, nhưng cũng lắm gian nan, thử thách, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng kể ngày đêm, mưa nắng, đã là nhà báo thì phải dấn thân, rong ruổi khắp mọi nơi, tìm hiểu mọi ngóc ngách của đời sống xã hội để cho ra đời những tác phẩm báo chí chân thật và sinh động. Qua đó, nói lên nỗi lòng của dân, điều chỉnh hành vi, các cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Nhà báo Xuân Long (Đài PT-TH Quảng Ngãi) phỏng vấn Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tại Đại hội XII của Đảng.   Ảnh: P.Lý
Nhà báo Xuân Long (Đài PT-TH Quảng Ngãi) phỏng vấn Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tại Đại hội XII của Đảng. Ảnh: P.Lý


Thực tế cho thấy, các nhà báo đã không ngừng sát cánh cùng với Đảng, với nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí đang ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chưa bao giờ chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí được đề cao như lúc này. Nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng nghiêm trọng, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc... được báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng.

 

“Tôi chắc rằng các bạn cũng như tôi, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6), luôn đau đáu với câu hỏi trong lòng, rằng mình đã làm được gì, để xứng với truyền thống vinh quang của nền báo chí cách mạng- Một nền báo chí đang tiến dần đến cái mốc 100 năm kỷ niệm, thật là tự hào!  Một nền báo chí mà đã có hơn 500 nhà báo-chiến sĩ, trong đó có 12 nhà báo-chiến sĩ là những người con của quê hương Quảng Ngãi đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường vì những dòng tin, những bức ảnh, những thước phim, thật là tự hào! Vâng, tự hào và trách nhiệm”.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi HÀ MINH ĐÍCH

Sự đóng góp tích cực của báo chí đã được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đăng tải trên mặt báo, góp phần quan trọng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nhân rộng cái đẹp trong cuộc sống.  

Tuy vậy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, báo chí đang đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta thông qua việc lợi dụng kênh thông tin từ các trang mạng xã hội, qua đó tạo sự hoài nghi, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều nhà báo không giữ được cái tâm trong sáng khi hành nghề, tha hóa, biến chất, lợi dụng báo chí để trục lợi cá nhân, chính điều này đã tạo nên cái nhìn nghi ngại, thiếu niềm tin của một bộ phận xã hội đối với báo chí. Gần đây, nhiều nhà báo bị thu hồi thẻ hành nghề và bị xử lý kỷ luật là một minh chứng cho thấy sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận những người làm báo.

Đề cao trách nhiệm người làm báo  

Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp liên quan đến báo chí: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa...”.

Phóng viên phỏng vấn Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm Tư vấn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tại Hội thảo phát triển Lý Sơn. ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Phóng viên phỏng vấn Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm Tư vấn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tại Hội thảo phát triển Lý Sơn. ẢNH: HOÀNG TRIỀU


Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiện đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Đội ngũ những người làm báo không nằm ngoài nhiệm vụ nói trên. Còn nhớ, vào mùa Xuân năm Kỷ Sửu 1949, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Nhà nước ta vừa mới được khai sinh với bộn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo mở lớp dạy viết báo cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Điều này cho thấy nhiệm vụ quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn viết thư để động viên lớp học, chỉ rõ nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, nội dung, hình thức của tờ báo, chỉ rõ khuyết điểm thường gặp ở các báo, và đặc biệt Người căn dặn: “Muốn viết báo thì cần: Gần gũi với dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực... Luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ... Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng”. Tâm niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp viết báo, làm báo là ngòi bút hướng về dân chúng, vì dân chúng cần lao, giúp cho họ đứng lên giải phóng cuộc đời mình, làm chủ vận mệnh của mình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo vẫn vẹn nguyên giá trị.

Để tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, đồng thời siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí theo đúng pháp luật, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã sửa đổi và ban hành 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cho phù hợp với tình hình mới. Đây được xem là hành lang pháp lý, để những người làm báo căn cứ thực hiện tốt vai trò của mình, điều chỉnh hành vi phù hợp với luật pháp và chuẩn mực đạo đức, xứng đáng là những người làm báo cách mạng chân chính.


PHƯƠNG LÝ






 


.