Kỳ 4: Hình thành những chuẩn mực đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Báo Quảng Ngãi đăng loạt bài “Xây dựng Đảng về đạo đức: Một yêu cầu cấp bách”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đã đánh giá cao những nội dung mà báo phản ánh và dành cho PV Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi để làm sáng tỏ hơn về nội dung này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, Quảng Ngãi đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải được điều chỉnh, xác lập một cách phù hợp. Đó là, vừa kế thừa, phát triển các giá trị đạo đức truyền thống, vừa chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa đạo đức hiện đại, biết đặt lợi ích cá nhân trong lợi ích cộng đồng, coi lợi ích cộng đồng là điều kiện, tiêu chí để hình thành các chuẩn mực đạo đức cá nhân...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Lý Sơn. ẢNH: PV |
PV: Theo đồng chí, đâu là những biểu hiện của sự lệch chuẩn, tha hóa về mặt đạo đức trong cán bộ, đảng viên cần ngăn chặn?
Đồng chí Lê Viết Chữ: Thực tiễn cho thấy, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên đã cổ vũ, kích thích tính tích cực đối với hành vi đạo đức cá nhân, làm cho các mối quan hệ trở nên trong sáng, lành mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển, hội nhập hiện nay, chuẩn mực đạo đức đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Một số chuẩn mực cũ, lỗi thời chưa mất đi. Các chuẩn mực mới, tiến bộ chưa hình thành, hoặc còn mờ nhạt. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên xuất hiện nhiều hiện tượng lệch chuẩn đạo đức, sự xuống cấp, thậm chí tha hóa về mặt đạo đức diễn ra khá nghiêm trọng. Đảng ta đã liên tục cảnh báo tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút uy tín, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Tại tỉnh ta, biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng đã diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, với nhiều mức độ khác nhau, gây ra sự bất bình trong xã hội. Đó là, lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích cộng đồng... đang trở nên phổ biến. Tình trạng đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; quan liêu, không sâu sát cơ sở; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của người dân ngày càng gia tăng.
Tình trạng đầu tư công tràn lan hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... đang có những biểu hiện rất đáng lo ngại. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa khắc phục được tính cách cố hữu như hẹp hòi, thụ động, cứng nhắc, thiếu hợp tác, ý thức lao động thấp...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Chủ nghĩa cá nhân phát triển; tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc; kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo; đánh giá cán bộ ở một số nơi chưa thực chất. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu làm chưa thường xuyên, chất lượng thấp...
PV: Theo đồng chí, những chuẩn mực đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi cần có là gì?
Đồng chí Lê Viết Chữ: Việc xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh, theo tôi cần bám sát những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng phong cách nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Yêu cầu này không mới, nhưng nó cũng chưa bao giờ là cũ. Hiện nay, tình trạng nói nhiều làm ít; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo; khi còn đương chức nói khác, lúc về hưu nói khác... đang diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bất bình trong nhân dân. Do đó, cần xây dựng phong cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Nói đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Làm việc khoa học, dân chủ, kỹ lưỡng, “dám làm dám chịu trách nhiệm”, không làm qua loa, đại khái...
Thứ hai, đề cao trách nhiệm nêu gương. Trong mọi hành động của người cán bộ, đảng viên từ việc công đến đời tư, từ sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất, chiến đấu đến lãnh đạo, quản lý... ít nhiều đều có tác động đến uy tín của Đảng. Đối với những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị thì việc nêu gương càng trở nên quan trọng. Vấn đề nêu gương đã được Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, với các điều khoản và chế tài cụ thể, nhất quyết sẽ làm chuyển biến nhận thức và hành động nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Xây đức tính trung thực, ngay thẳng. Trung thực với gia đình, với tổ chức, với cộng đồng và trung thực ngay cả với chính mình. Xây sự tự trọng, liêm sỉ, tự giác, khiêm tốn, khoan dung. Xây lòng nhân nghĩa, thủy chung, tinh thần lao động, học tập. Chống lối sống ích kỷ, thực dụng, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vô cảm, bảo thủ, trì trệ, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh... Việc “xây” và “chống” phải được kết hợp một cách chặt chẽ, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích để xây.
Thứ tư, xây dựng phong cách sát cơ sở, yêu dân, trọng dân, vì dân, ứng xử văn hoá, tinh tế, nhân văn. Bám sát cơ sở, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động giác ngộ nhân dân là công tác chiến lược của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng. Sự vững vàng của chế độ suy cho cùng đều ở nơi dân. Thực tế cho thấy, chỉ có sâu sát cơ sở, thực sự hòa mình, lăn lộn trong phong trào sáng tạo của quần chúng, mới có thể hoạch định những chủ trương sát đúng, mới phát hiện ra cái đúng, cái chưa đúng của chủ trương, chính sách, mới tìm ra những nhân tố mới để ủng hộ và nhân rộng. Cán bộ, đảng viên phải có đức tính khiêm tốn, tinh thần cầu thị, lòng vị tha, khoan dung, ứng xử văn hoá, tinh tế, nhân văn, cảm hóa quần chúng.
Thứ năm, tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức mới một cách sâu rộng; xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với đặc điểm từng ngành nghề. Tuyên truyền, cổ vũ những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, phê phán một cách khách quan, khoa học những quan niệm đạo đức sai lầm; hướng con người vào những giá trị chân-thiện-mỹ. Một xã hội mà ở đó cái thiện luôn được đề cao, cái ác luôn bị vạch trần thì những hành vi xấu, thiếu trách nhiệm... sẽ dần bị triệt tiêu. Báo chí tích cực nêu gương “người tốt việc tốt”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện.
Xác lập, thực hành những chuẩn mực đạo đức mới, làm cho những chuẩn mực tốt đẹp lan tỏa trong đời sống xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với sự kỳ vọng, lòng tin yêu, quý trọng của nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
P.Đức- P.Lý- P.Triều
Nhiều ý kiến tâm huyết về xây dựng Đảng
Giáo sư, tiến sĩ LÊ HỮU NGHĨA
Giáo sư, tiến sĩ HOÀNG CHÍ BẢO
Nhóm PV (lược ghi) |