Xây dựng đảng về đạo đức: Một yêu cầu cấp bách (Kỳ 2)

01:05, 25/05/2017
.

Kỳ 2: Bài học từ buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát

(Báo Quảng Ngãi)- Kiểm tra, giám sát là công cụ quan trọng để Đảng lãnh đạo, đánh giá việc đảng viên chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh một số cấp ủy thực hiện tốt, thì vẫn còn một số nơi buông lỏng công tác này; chưa chủ động phát hiện sai phạm, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

 

TIN LIÊN QUAN


Từ những vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ngày một nghiêm trọng...
 

“Những năm qua, cấp ủy các cấp đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Điều này phải tiếp tục phát huy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng...”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy TRẦN VĂN MINH

Đừng để chuyện đã rồi

Làm việc với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh bị xếp loại yếu kém trong năm 2016, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Phạm Duy Cẩn cho biết: “Sự việc một đảng viên không trả tiền vay mượn của người dân, để họ đến cơ quan tố cáo không có gì phức tạp, nhưng chi bộ, lãnh đạo Ban không xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, khiến dư luận bức xúc”. Đó là đảng viên Đinh Thị Ngọc Hà, chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh, bà Hà đã vay mượn của nhiều người, với số tiền trên 5 tỷ đồng. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Văn Thế cho biết, cuối tháng 2.2017, Ban yêu cầu bà Hà đến giải trình lý do không đến cơ quan làm việc và nộp kiểm điểm về việc vay mượn tiền, nhưng bà Hà không chấp hành. Trong tháng 3 và 4.2017, Ban có đưa vụ việc ra bàn, nhưng vẫn chưa thống nhất hướng xử lý. "Đến nay, Ban chưa có hướng xử lý đối với bà Hà, vì giữa chi bộ và cơ quan chưa thống nhất bên nào sẽ xử lý trước; bà Hà hiện không đến cơ quan làm việc (có đơn xin nghỉ không lương, nhưng lãnh đạo Ban chưa duyệt) và vụ việc đang được công an điều tra", ông Thế nói.

Được biết, ngày 11.4.2017, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã trực tiếp đề nghị Ban Dân tộc tỉnh xử lý về mặt chính quyền đối với bà Hà, để làm cơ sở cho việc xem xét tư cách đảng viên, nhưng lãnh đạo Ban không thực hiện. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã có công văn chỉ đạo xử lý sai phạm. Điều khó hiểu ở đây là, việc làm của bà Hà lãnh đạo Ban biết, nhưng không chủ động xử lý, báo cáo cơ quan chức năng. Khi báo chí phản ánh, người dân kéo đến cơ quan thì mới vào cuộc, nhưng thiếu dứt khoát.

Một trong những công trình sai phạm trong đầu tư, sử dụng đất tại huyện Lý Sơn. Ảnh: PV
Một trong những công trình sai phạm trong đầu tư, sử dụng đất tại huyện Lý Sơn. Ảnh: PV


Dù có dư luận không tốt, nhưng từ năm 2011-2015, bà Hà vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tế đó cho thấy, Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh chưa phát huy vai trò lãnh đạo, nhất là công tác kiểm tra, giám sát; chưa thực hiện tốt mối quan hệ giữa chi ủy, chi bộ với thủ trưởng theo quy định chức năng, nhiệm vụ; buông lỏng quản lý, để đảng viên có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên trong chi bộ còn thấp. Thực trạng này cũng xảy ra tại Chi bộ Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp tỉnh. Chi bộ này không duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, nội dung, hình thức sinh hoạt chưa đảm bảo theo Chỉ thị 10-CT/TW và Hướng dẫn 09-HD/BTCTW, nhưng đảng viên cũng không có ý kiến. Với những khuyết điểm đó, năm 2016 bí thư và phó bí thư của chi bộ đã bị UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh kỷ luật với hình thức khiển trách.

Nói về vai trò của công tác kiểm tra, Bác Hồ cho rằng: “...kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Tuy nhiên, không phải cấp ủy, người đứng đầu cơ quan nào cũng nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Thực trạng đó rất đáng lo ngại, bởi ngoài việc chậm phát hiện ra những sai phạm của cán bộ, đảng viên, thì đây còn là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sai phạm trong công tác quản lý đất đai; quản lý trật tự xây dựng; quản lý đầu tư xây dựng ở Lý Sơn là một trong những vụ việc điển hình. Vụ việc có từ năm 2013, kéo dài đến tháng 10.2016, nhưng cấp ủy, chính quyền ở đây không hề hay biết, cho đến khi UBND tỉnh công bố kết luận thanh tra. Trong vụ việc này có đến 14 cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã phải kiểm điểm, trong đó có 4 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
 

Năm 2016, cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, UBKT cấp huyện, cấp ủy cơ sở và chi bộ thi hành kỷ luật 109 đảng viên (giảm 48 đảng viên so với năm 2015) bằng các hình thức: Khiển trách 61, cảnh cáo 28, cách chức 2 và khai trừ 18 đảng viên.

Bài học chưa bao giờ cũ

Nói về những sai phạm tại xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Tịnh Nguyễn Ngọc Thái đã không giấu được nỗi buồn. Ông Thái cho biết, Tịnh Trà là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Trong quá trình làm, vì muốn về đích sớm, nên xã đã để xảy ra sai phạm tại công trình cấp nước sinh hoạt cho thôn Trà Bình, Phú Thành và công trình nghĩa trang nhân dân núi Rừng Đình.

Dù đầu tư gần 6 tỷ đồng, nhưng khả năng phát huy tác dụng của 2 công trình này rất thấp. Dù vậy, UBND xã vẫn quyết toán, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Vì thế, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tịnh đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy xã; kỷ luật cảnh cáo đồng chí đảng ủy viên, Chủ tịch UBND xã, với lý do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, công tác quản lý trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đảng bộ xếp loại yếu kém. “Công trình phục vụ dân sinh, nhưng xã không tham vấn, phát huy vai trò giám sát của dân dẫn đến không phát huy hiệu quả, thất thoát tiền là điều đáng tiếc. Qua vụ việc này, cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải tự soi lại mình, để không lặp lại vụ việc tương tự”, ông Nguyễn Ngọc Thái nói.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, đôi khi sai phạm chưa hẳn xuất phát từ lòng tham cá nhân, suy thoái về đạo đức, mà là do năng lực chỉ đạo, điều hành công việc kém. Vì vậy, khi xử lý vi phạm cũng phải tính đến “cái gốc của vấn đề”. Do đó, khi bổ nhiệm cán bộ cần đánh giá toàn diện, đừng bố trí công việc quá sức, quá tầm, để rồi dẫn đến sai phạm.  

Cũng theo ông Thái, trong năm 2016, một số lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tịnh Hà, Tịnh Thọ... đã bị xử lý kỷ luật khiển trách. Các đồng chí này đều nhận rõ trách nhiệm về những khuyết điểm và đề ra giải pháp khắc phục. Làm tốt công tác kỷ luật trong Đảng thì mới củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác này cũng được Đảng bộ huyện Bình Sơn chú trọng. Trong năm 2016, cấp ủy, UBKT huyện ủy đã thi hành kỷ luật 26 đảng viên (khiển trách 12, cảnh cáo 10, cách chức 1 và khai trừ Đảng 3 đồng chí). Ban Thường vụ huyện ủy kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý đối với tổ chức cơ sở đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Với Thành ủy Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên thì phải thực thi nghiêm kỷ luật trong Đảng. Quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy là không dung túng sai phạm đối với cán bộ, đảng viên, bất kể đó là ai. Trong năm 2016, Đảng bộ thành phố đã thi hành kỷ luật 22 đảng viên (khai trừ 1, do lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt tù; cảnh cáo 4, khiển trách 17), trong đó có 5 đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống.


P.Đức-P.Lý-P.Triều

---------------------------------
Kỳ 3: Không dừng lại ở ý thức mà phải là hành động đạo đức




 


.