(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục là những cú huých tạo thành quả cho “tam nông”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thành quả đạt được là tiền đề để nông nghiệp, nông thôn bứt phá trong thời gian đến và thu nhập của người nông dân ngày một nâng lên.
Từ “Nghị quyết tam nông”...
Ban hành năm 2008, sau 8 năm, Nghị quyết 26 đã tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng. Nó trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Ngay sau khi có nghị quyết, chương trình, đề án trên, hàng loạt chương trình, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp ra đời, tạo động lực để ngành nông nghiệp phát triển.
Là lĩnh vực được xem là nhiều rủi ro, ít lợi nhuận, thời gian quay vòng vốn lâu, nên nông nghiệp không nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, năm 2013, Nghị định 210 về khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực, lĩnh vực nông nghiệp đã được nhiều nhà đầu tư “đón sóng”. Tiên phong là Công ty TNHH Dịch vụ kinh doanh Đức Hòa (Công ty Đức Hòa) với Dự án đầu tư chăn nuôi heo khép kín, quy mô 12 nghìn con heo thịt mỗi năm.
Thực hiện dự án này, Công ty Đức Hòa không chỉ được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng với diện tích 60.000m2, mà còn được Nhà nước hỗ trợ 8 tỷ đồng. “Chế độ đãi ngộ tốt, cộng với việc thực thi kịp thời đã giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời tạo niềm tin với nhà đầu tư khi muốn rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp”, bà Khưu Thị Ngọc Bích - Giám đốc Công ty Đức Hòa chia sẻ.
Nhiều vùng sản xuất rau an toàn phát triển, nhờ thực thi hiệu quả Quyết định 36 của UBND tỉnh. ẢNH:T.P |
Trên tinh thần Nghị định 210, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 36 về một số chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020. Sau hơn một năm ra đời, “thảm đỏ” này đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư vào một số lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất rau an toàn hay dược liệu. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe là đơn vị đầu tiên hưởng hỗ trợ 4 tỷ đồng theo Quyết định 36 để hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại xã Nghĩa Hiệp (TP.Quảng Ngãi).
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, việc Nghị định 210, Quyết định 36 đến với đối tượng thụ hưởng đã thể hiện quyết tâm cao của các cấp chính quyền, nhằm khắc phục tình trạng “chính sách nhiều, thực thi ít” như lâu nay. Sự thay đổi này đã mang lại “quả ngọt” cho lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn 2014 - 2016, toàn tỉnh đã có 21 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 2.200 tỷ đồng.
...đến những giá trị khác biệt
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc, so với tiềm năng ngành nông nghiệp, con số 21 dự án là chưa tương xứng. Nhưng so với thực trạng của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi thì đó là bước đột phá. Động lực của “sự khác biệt” trên, không thể không kể đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2010, sau khi Trung ương đặt ra hai chương trình trên, Quảng Ngãi cũng xác định và cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc... tạo nền tảng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Vì những mục tiêu trên, nên các bước triển khai thực hiện cũng có những điểm riêng biệt, đột phá. Đó là, ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, phát triển và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung; triển khai các đề án phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh 54% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; số tiêu chí NTM bình quân/xã tăng thêm hơn 5 tiêu chí so với năm 2011; gần 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật... Đặc biệt, cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, Chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự đóng góp lớn của nhân dân để đầu tư hàng nghìn công trình điện, đường, trường, trạm, với tổng nguồn vốn trên 6.300 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình thực hiện “Nghị quyết tam nông” tiếp tục được khơi gợi, phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”, góp phần tạo động lực kích thích và lan tỏa khát vọng xây dựng đời sống mới, trên nền tảng bền vững của NTM.
Thanh Phong