Tăng cường đối thoại với dân

02:09, 27/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều vụ việc xảy ra gây bức xúc trong nhân dân, nếu được lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương kiên trì đối thoại, lắng nghe và giải quyết “thấu tình đạt lý” thì sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) kéo dài. 

TIN LIÊN QUAN

Để người dân được “tâm tình”

Thời gian qua, Thanh tra tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với các tổ chức, cá nhân có KNTC kéo dài. Qua thực tiễn cho thấy, đối thoại là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết KNTC. Đơn cử như vụ việc của ông Lê Thám Ba ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì (Ba Tơ). Vụ việc ông khiếu nại UBND huyện Ba Tơ kéo dài đã được Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình tổ chức đối thoại để giải đáp các nội dung khiếu nại của ông.

Buổi đối thoại được diễn ra đúng thành phần, trên tinh thần dân chủ, khách quan, công khai theo quy định pháp luật về khiếu nại. Các cá nhân, đại diện các đơn vị tham dự trong buổi đối thoại đều có ý kiến tham gia. Chủ trì cuộc họp cũng đã làm rõ các vấn đề mà ông Lê Thám Ba thắc mắc; giải thích pháp luật về đất đai quy định tại thời điểm phát sinh hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất của ông.

Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình (giữa) tiếp xúc, đối thoại với người khiếu nại.
Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình (giữa) tiếp xúc, đối thoại với người khiếu nại.


Đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc đối thoại với công dân của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Định kỳ hằng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh đều có các buổi tiếp công dân. Tại đây, quá trình trao đổi qua lại những vấn đề còn tồn tại giữa lãnh đạo các sở, ngành, địa phương với công dân KNTC được thực hiện công khai, dân chủ. Qua đó, nhiều ý kiến của người dân được chủ trì giải quyết kịp thời. Nếu vấn đề nào công dân chưa đúng, chủ trì đều giải thích cặn kẽ các quy định của pháp luật để người dân hiểu.

Ông Lữ Ngọc Bình - Chánh Thanh tra tỉnh, cho rằng: Qua việc đối thoại trực tiếp với người KNTC, các cơ quan chức năng có thể tuyên truyền, giải thích pháp luật, tăng sự hiểu biết pháp luật cho người dân. Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp KNTC thường xuất phát từ sự không am hiểu pháp luật của công dân, một khi được giải thích cặn kẽ, dễ hiểu, có lý, có tình thì họ sẽ không còn khiếu nại nữa.

“Nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài, chỉ vì cán bộ tiếp dân không cho công dân giãi bày những điều mà họ cho là oan ức. Sau khi lắng nghe dân và giải thích có căn cứ, thấu tình, đạt lý nội dung sự việc, thì họ thỏa mãn và không còn khiếu nại”, ông Bình chia sẻ.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành, địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân trong các vụ việc đông người, phức tạp, tập trung giải quyết, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền...

Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các sở, ngành đã triển khai thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; tích cực trong chỉ đạo xác minh, giải quyết các KNTC thuộc thẩm quyền. Nhiều địa phương cũng đã quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa phát sinh KNTC trên địa bàn.

Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các ngành, các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được tăng cường, nhiều nơi đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Mặc dù vậy, theo ông Lữ Ngọc Bình, công tác giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là tình trạng giải quyết chậm trễ còn diễn ra phổ biến; tỷ lệ giải quyết chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số địa phương còn vi phạm trình tự, thủ tục giải quyết. Nguyên nhân của những hạn chế trên về mặt chủ quan có phần trách nhiệm của người đứng đầu chưa phát huy đúng mức và bộ máy tham mưu giải quyết chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Do đó, để công tác giải quyết KNTC có hiệu quả phải phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là chủ tịch UBND các cấp; đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện. Bởi vì, cấp tỉnh chủ yếu là quyết định về cơ chế, chính sách, còn Chủ tịch UBND cấp xã chủ yếu làm nhiệm vụ xác nhận thông tin, số liệu ban đầu liên quan đến thực hiện chính sách, truyền đạt quyết định hành chính đến công dân; còn cấp ra quyết định cụ thể và tổ chức huy động lực lượng đảm bảo thi hành quyết định hành chính chủ yếu là cấp huyện.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.