Kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 - 1.10.2016):
Nhân cách Huỳnh Thúc Kháng: Lưu danh muôn đời (Kỳ 1)

06:09, 30/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cả dân tộc Việt Nam gọi Quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng bằng tên gọi rất gần gũi, trìu mến: “Cụ Huỳnh”. Đó chẳng phải ngẫu nhiên, mà là thể hiện lòng tri ân, kính trọng của người dân, bởi nhân cách, đức độ, tinh thần trung kiên với cách mạng, với dân tộc Việt Nam của cụ Huỳnh.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Theo dấu tiền nhân

Dù đã là người thiên cổ, nhưng cụ Huỳnh luôn được đời sau nhắc đến. Cụ đã để lại cho dân tộc Việt Nam một tài sản vô cùng giá trị, đó là một cuộc đời, một nhân cách sống “không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan, chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.


 
Suốt chặng đường từ TP.Quảng Ngãi về xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) - nơi cụ Huỳnh sinh ra và lớn lên, mỗi chúng tôi đều dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Có lẽ đó là tâm trạng của lớp hậu sinh, trân trọng và tự hào khi ngược dòng lịch sử tìm hiểu về bậc hiền tài xứ Quảng.

Dấu xưa còn mãi

Huyện Tiên Phước cách TP.Tam Kỳ khoảng 35km về phía tây-nam. Trên đường đi, người bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng có thời gian tìm hiểu sâu nên đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thuở thiếu thời của cụ Huỳnh.

Cụ sinh ra trong một gia đình nhà nho, lúc nhỏ có tên gọi là Thước, khi đi học lấy tên là Hanh, năm 1900 đổi thành Huỳnh Thúc Kháng. Sinh thời, cụ Huỳnh nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 16 tuổi, cụ thi vào trường ba; năm 25 tuổi (1900), cụ đỗ cử nhân. Năm Giáp Thìn (1904), cụ đỗ tiến sĩ.

Chứng kiến những thất bại của phong trào Cần Vương và sớm có điều kiện tiếp xúc với tân học, nên tuy đỗ đạt, nhưng cụ không ra làm quan...

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.                Ảnh: pv
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: pv


Chặng đường về Tiên Phước như gần hơn khi chúng tôi mải nói chuyện về mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà cụ Huỳnh Thúc Kháng và người bạn thân từ thuở nhỏ, người đồng chí hướng với cụ, đó là cụ Phan Chu Trinh đã sinh ra và lớn lên. Lịch sử dài đằng đẵng, thế mà như mới ngày hôm qua khi hậu thế biết trân trọng lưu giữ từng mẩu chuyện và kỷ vật gắn với cuộc đời của bậc tiền nhân.

Khi xe chúng tôi vừa dừng trước cổng Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, cảm giác nhẹ tênh bao trùm trước không gian thoáng đãng, gần gũi, bình dị chốn làng quê. Người bạn đồng nghiệp, bộc bạch: “Cái sự bình dị, chân quê chốn này cũng giống như cốt cách của cụ Huỳnh vậy”.

Phía trước Nhà lưu niệm cụ Huỳnh là đồng lúa bậc thang và dãy núi Sơn Ve xanh biếc. Con đường nhỏ với giậu chè tàu dẫn lối vào ngôi nhà cổ. Cụ Huỳnh hiệu là Mính Viên, có nghĩa là vườn chè. Chuyện kể lại rằng, lúc còn sống cụ Huỳnh rất thích uống chè xanh, thế nên việc chăm sóc hàng cây chè tàu cũng là lưu giữ kỷ niệm về cụ.

Ông Huỳnh Văn Thoàn, cháu của cụ Huỳnh, người trông coi nhà lưu niệm cho biết, cụ Huỳnh sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này. Ngôi nhà cụ để lại cho con cháu rất đơn sơ, giản dị, xây dựng năm 1869. Chiến tranh ác liệt, nhà cửa ở trong làng bị đạn bom cày xới, nhưng đặc biệt ngôi nhà của cụ Huỳnh không hề hấn gì.

Điều ông Thoàn nói khiến chúng tôi nghĩ đến cụ Huỳnh, ngôi nhà sừng sững trước đạn bom của quân xâm lược cũng giống như cốt cách, lòng kiên trung, son sắt với dân, với nước của cụ Huỳnh chẳng thể đổi dời. Trước bàn thờ cụ, cùng với di ảnh là tấm Huân chương Sao Vàng được đặt trang trọng. Công lao to lớn của cụ đối với dân, với nước khó mà kể hết.

Thật xúc động khi biết được rằng, trong “Tự truyện” cụ Huỳnh có nói đến hoàn cảnh nhà nghèo, nghèo đến mức không đủ tiền mua sách để đọc, lại phải đi học thầy ở những nơi rất xa, nhưng không vì thế mà nản chí học tập. Mới 12 tuổi, cụ Huỳnh đã phải trải qua đủ mùi đắng cay. Quen với cuộc sống nhà nông nghèo, nên mãi về sau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cụ vẫn giữ cho mình cuộc sống thanh bần, chất phác.

Cụ Huỳnh ra đi để lại những tài sản gì, thưa ông? Ông Thoàn cười hiền: “Là một khối văn chương với sự nghiệp của cụ”. Ông Thoàn cho biết, bố của ông là Huỳnh Toản (cháu ruột cụ Huỳnh, có quãng  thời gian dài sống với cụ Huỳnh ở Huế), khi còn sống kể lại rằng, cụ Huỳnh trang phục giản dị, đến mức cộng sự của cụ cho rằng: “Khi gặp ngoài đường, nếu ai không biết cụ, thấy cái vẻ lài xài, quần nhàu bấn, ống cao ống thấp, đội cái mũ dạ cũ rích, không khỏi cho là ông lão nhà quê nào!”.

Ông Thoàn dẫn chúng tôi đến gian nhà trưng bày bút tích của cụ Huỳnh gửi ông Vương Đình Quang để từ chối việc viết tiểu sử cho mình. Bởi theo cụ Huỳnh, cuộc đời cụ cũng như bao người khác. Ông Thoàn nói: “Sinh thời, cụ Huỳnh chưa bao giờ cho mình là người tài, tính cụ rất khiêm nhường. Chỉ có trong lòng dân và con cháu của gia tộc Huỳnh, những việc cụ đã làm cho dân, cho nước đáng nể phục”.

Những người từng gặp cụ Huỳnh ở Tiên Cảnh giờ chẳng còn ai.  Nhưng người dân ở đây từ già chí trẻ đều thuộc nằm lòng câu chuyện kể về cụ Huỳnh. Để tỏ lòng tôn vinh và giáo dục thế hệ con cháu noi gương cụ, chính quyền địa phương quê hương cụ đã thành lập trường tiểu học mang tên Mính Viên, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và thành lập Giải thưởng hiếu học Huỳnh Thúc Kháng dành để trao tặng cho những học trò chăm ngoan, học giỏi.

Thắp lên ngọn lửa yêu nước  

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, ngọn lửa yêu nước luôn được thắp sáng bởi những con người khao khát giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Lớp hậu bối chúng tôi tự hào khi nhắc đến cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

Lần giở lại các trang tư liệu, tìm gặp các nhà nghiên cứu về lịch sử, những người am hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh, chúng tôi đã ghi chép được nhiều câu chuyện xúc động về một con người có nếp sống thanh cao, giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước, vì dân.

Ông Huỳnh Thoàn thường ngày chăm lo hương khói ở nhà lưu niệm cụ Huỳnh.
Ông Huỳnh Thoàn thường ngày chăm lo hương khói ở nhà lưu niệm cụ Huỳnh.


Sử sách ghi chép, cùng với Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp... Huỳnh Thúc Kháng đã tham gia khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân, góp phần khơi dậy phong trào yêu nước rộng khắp, mở ra đường hướng cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi áp bức của thực dân, phong kiến.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy Tân, năm 1908 phong trào chống thuế của nông dân nghèo xuất phát từ làng Phiếm Ái (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Trung. Thực dân Pháp và quan lại Nam triều thẳng tay đàn áp phong trào, hành hình Trần Quý Cáp, đày Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo.  


Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận định: “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” có thể coi là nguyên lý cơ bản để cứu nước của phong trào Duy Tân. Nó đã tạo ra được một đường hướng mới trong phong trào dân tộc gắn với những thay đổi của xã hội Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Khuynh hướng này tuy đã tạo ra một nhân tố mới tác động vào cuộc đấu tranh dân chủ, chống phong kiến... nhưng chưa có đủ cơ sở xã hội và tinh thần, chưa đủ sức đương đầu với chế độ cai trị khắc nghiệt của chủ nghĩa thực dân”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhân vật tiêu biểu nhất, tạo được cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của thế hệ các chiến sĩ Duy Tân với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Suốt 13 năm (1908 -1921) bị giam cầm ở chốn “địa ngục trần gian” khét tiếng, những thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp nào có khuất phục được ý chí, bản lĩnh của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Trái lại, cụ xem đó là “trường học thiên nhiên” và dùng “thi văn làm món di dưỡng tinh thần”. 

Điều này thể hiện rất rõ ở tác phẩm Thi tù tùng thoại, tác phẩm nổi tiếng mà cụ Huỳnh đã viết trong thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo. Đây là tác phẩm ghi chép bằng thơ, viết bằng chữ Hán, là những trang viết chân thực, chi tiết về diễn tiến các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX và chuyện xảy ra ở nhà tù Côn Đảo. Khi được trả tự do, trên đường về đất liền, toàn bộ bản thảo này bị thực dân Pháp tịch thu và thiêu hủy. Về sau, cụ Huỳnh đã ghi chép lại và đăng liên tục trên báo Tiếng Dân từ số 1106 đến 1196.

 P.LÝ-TR.PHƯƠNG-NG.TRIỀU

------------------------------------------------------------------------------------
*Kỳ 2: Từ một tiếng lòng son sắt...



 


.