Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: Bước đổi mới trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh

04:05, 18/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016), lần đầu tiên Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề. Đây được xem là bước đổi mới trong công tác TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh, nhằm thu thập những ý kiến, đề xuất của cử tri có nội dung chuyên sâu.

TIN LIÊN QUAN

Cử tri là những người trong cuộc

Tháng 4.2014, Đoàn ĐBQH tỉnh (khóa XIII) có buổi TXCT chuyên đề với ngành Kiểm sát tỉnh để lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), với hơn 200 cử tri là cán bộ, công chức của ngành KSND tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, ĐBQH khóa XIII (khi ấy là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao), thì mục đích của hội nghị là để lắng nghe ý kiến của cử tri là những người am hiểu chuyên sâu về hoạt động của ngành Kiểm sát và Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện KSND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức Viện Kiểm sát quân sự năm 2002.

ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Kiểm sát tỉnh.
ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Kiểm sát tỉnh.


Điều chúng tôi ghi nhận là, các cử tri "trong cuộc này" đã đi sâu vào phân tích những bất cập qua hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức Viện KSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện KSND, Pháp lệnh Tổ chức Viện Kiểm sát quân sự năm 2002. Trong đó, nhấn mạnh cơ chế bảo đảm cho Viện KSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng; kỹ thuật lập pháp có phần lạc hậu so với thực tế...
 

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề trong các lĩnh vực như: Tình hình thực hiện Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP); xây dựng nông thôn mới; tiếp xúc cử tri nơi cư trú của ĐBQH; tiếp xúc với nhân dân huyện đảo Lý Sơn về các vấn đề liên quan đến ngư dân, đầu tư cho biển, đảo; tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Kiểm sát tỉnh; tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực Tư pháp...

Ông Trần Hoàng Tuấn - Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho rằng: Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều nội dung mới quan trọng về chế định Viện KSND, bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND, đòi hỏi phải cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Hầu hết cử tri đều thống nhất ý kiến, để thực hiện mục tiêu cải cách “Xây dựng nền Tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, thì việc sửa đổi Luật Tổ chức Viện KSND là cần thiết. Các đại biểu cũng đã nhấn mạnh nội dung: Quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện KSND; thẩm quyền điều tra của VKSND; việc tổ chức VKSND theo khu vực hay theo 4 cấp; luật hóa các quy định pháp luật trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tố tụng... Với những đóng góp tích cực của cử tri Quảng Ngãi và hoạt động có trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh, ngày 24.11.2014, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Coi trọng cải cách Tư pháp

Cũng trong nhiệm kỳ 2011-2016, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi TXCT chuyên đề về lĩnh vực Tư pháp. Cuộc tiếp xúc này không đơn thuần là lắng nghe mà trở thành cuộc đối thoại hai chiều giữa ĐBQH và những cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp của tỉnh. Nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực này được cử tri đặt vấn đề, thảo luận sôi nổi và đi đến thống nhất kiến nghị điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế và sự hội nhập quốc tế của đất nước. Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nêu: Về mặt thể chế, hiện nước ta còn quá nhiều văn bản luật và liên tục thay đổi; một số văn bản luật có những quy định chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật. Cơ chế chính sách về tiền lương cho cán bộ tư pháp chưa được cải thiện; trình độ, năng lực cán bộ tư pháp ở cơ sở còn hạn chế, làm kiêm nhiệm nên hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao...

Trên cơ sở những tồn tại, bất cập đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Quốc hội thảo luật, rà soát để điều chỉnh; đồng thời kiến nghị với tỉnh quan tâm chỉ đạo có hiệu quả trong lĩnh vực này; HĐND tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát. Kiện toàn bộ máy các cơ quan tư pháp của tỉnh, đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi đúng, giữ vững lòng tin của người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.         


 Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN


 


.