Dân vận- Những bài học luôn mới- Kỳ 3: Lắng nghe dân để lo cho dân

09:10, 16/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giờ đây, dân vận không còn là công tác của riêng Đảng, mà còn là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền, Mặt trận và các Hội đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Đích đến của công tác này là vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời, qua đó lắng nghe dân để hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… nhằm tạo mối quan hệ hài hòa, đồng thuận trong toàn xã hội.

TIN LIÊN QUAN

“Việc các huyện, thành phố thành lập Tổ nắm bắt thông tin dư luận xã hội đã giúp các cấp ủy, chính quyền nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc trong dân, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua...”, đồng chí Phạm Thanh Hải -  Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Mọi dư luận trong dân phải được giải tỏa

Cách đây 2 năm, người dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) “ngợp thở” bởi mùi hôi từ điểm tập kết rác nằm trên đường nối thôn Phước Thịnh và Lương Nông Bắc. Biết chuyện, Tổ nắm bắt, nghiên cứu và giải quyết thông tin dư luận xã hội của huyện Mộ Đức liền vào cuộc tìm hướng giải quyết. Đó là, huyện đã quyết định đầu tư xây dựng lò xử lý rác trên địa bàn xã với kinh phí khoảng 700 triệu đồng và đầu tư xe thu gom rác hoạt động 2 ngày/tuần. Nhờ đó, hiện tại tình hình ô nhiễm rác thải ở xã Đức Thạnh đã không còn. Ông Nguyễn Bụi (65 tuổi), ở thôn Nông Lương Bắc, nói: “Dù mỗi tháng phải đóng 10 nghìn đồng phí môi trường nhưng không còn cảnh ô nhiễm thì vẫn vui hơn!”.

Tổ nắm bắt, nghiên cứu và giải quyết thông tin dư luận xã hội của huyện Mộ Đức ra đời xuất phát từ thực tiễn xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vì qua nắm bắt thông tin của tổ, nhiều vụ việc bức xúc về tranh chấp đất rừng, ô nhiễm môi trường... được giải quyết. Tổ này do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy là thành viên. Ông Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộ Đức, cho biết: Phương châm hoạt động của tổ là "Kịp thời- chính xác và hợp lòng dân". Do đó, các thành viên trong Tổ đều tích cực đi cơ sở, nghe ngóng thông tin từ nhiều nguồn, để tham mưu cách giải quyết từng vụ việc cụ thể, mang lại niềm tin vững chắc của dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện.

Nhờ dồn điền đổi thửa, năng suất lúa ở xã Đức Phú (Mộ Đức) tăng lên đáng kể. Bộ mặt nông thôn mới ở xã Phổ Hòa (Đức Phổ).
Nhờ dồn điền đổi thửa, năng suất lúa ở xã Đức Phú (Mộ Đức) tăng lên đáng kể.


 Bên cạnh đó, sự ra đời của CLB thông tin thời sự Nguyễn Tín và Nhóm nắm bắt, nghiên cứu, xử lý thông tin ở các xã, thị trấn cũng đã góp phần chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân đến với các cơ quan Đảng, chính quyền trong huyện. “Với người dân, cái mà họ cần ở mỗi cán bộ, đảng viên là sự gần gũi, chân tình, biết lắng nghe dư luận. Khi có vụ việc bức xúc cần có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và đưa ra lộ trình giải quyết cụ thể. Đấy cũng là phương châm hoạt động của Dân vận khéo”, ông Anh nói.

Đặt lợi ích của dân lên đầu

Xã Đức Phú (Mộ Đức) có khoảng 420ha đất lúa, trong đó có 2/3 diện tích là đất bạc màu, manh mún, nhỏ lẻ. Vì thế, địa phương xác định chỉ có “dồn điền, đổi thửa” mới tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, khi thực hiện thì không suôn sẻ, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ đã ăn sâu vào trong dân và sợ mất đất.

Ông Trần Thơm - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Sở dĩ dân phản đối là do chính quyền chưa nói rõ quyền và lợi ích của người dân khi “dồn điển, đổi thửa”. Vì vậy, từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã cùng các tổ chức đoàn thể về tận KDC để tuyên truyền, giải thích cho người dân đây là chủ trương của tỉnh và là phương thức canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, xã tổ chức cho dân đi tham quan ở một số địa phương trong tỉnh. Thế là dân tin. Từ vụ hè thu 2014, gần 40ha đất đầu tiên ở thôn Phước Thuận đã được triển khai “dồn điền, đổi thửa”. Và đến nay có gần 105ha đất lúa trên địa bàn xã đã “dồn điền, đổi thửa” thành công, năng suất đạt tới 65 tạ/ha, tăng hơn 5 tạ/ha so với khi chưa chuyển đổi.

Bộ mặt nông thôn mới ở xã Phổ Hòa (Đức Phổ).
Bộ mặt nông thôn mới ở xã Phổ Hòa (Đức Phổ).


Không chỉ riêng xã Đức Phú mà nhiều địa phương khác trong tỉnh, như Phổ Nhơn (Đức Phổ), Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Bình Hòa (Bình Sơn)... sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động người dân đã thấu hiểu được lợi ích của việc “dồn điền, đổi thửa” nên đã tích cực tham gia, tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Giờ đây, những người nông dân tham gia mô hình này đã giảm được ngày công lao động, chăm sóc, thu hoạch canh tác thuận lợi và hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Chuyện “lạ” ở Phổ Hòa

Ở Phổ Hòa (Đức Phổ), có những câu chuyện thoạt nghe qua chúng tôi cảm thấy “rất lạ”. Đó là, có dạo lãnh đạo xã từ chối đăng ký nhận nguồn hỗ trợ từ cấp trên, xin không xây dựng chợ... mà nguyên nhân xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của người dân trong xã, dù trong tiêu chí xã nông thôn mới thì chợ được xem là tiêu chí rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Nho - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã giãi bày: Người dân trong xã cho rằng, lâu nay, dân thường mua bán tại chợ trung tâm huyện, cách nhà không xa nên thống nhất không xây dựng chợ, xin chuyển nguồn vốn sang xây dựng công trình khác. Vả lại, họ bảo, nhiều địa phương chạy đua xây chợ tiền tỷ nhưng rồi cũng không phát huy hết công năng, để lãng phí. “Qua lắng nghe ý kiến của dân, chúng tôi thấy có lý nên quyết không xây chợ”, ông Nho chia sẻ. Phổ Hòa là 1 trong 3 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Phổ. Đây cũng là xã duy nhất của tỉnh từng từ chối đăng ký nhận hỗ trợ ximăng để bê tông đường giao thông, với lý do: Dân chưa đồng thuận nên chưa làm được đường, nếu nhận xi măng về bây giờ sẽ hỏng, sau này xin lại lần nữa sẽ lãng phí tiền của Nhà nước.

“Có những việc đôi khi đi ngược lại chủ trương chung, nhưng lại phù hợp với lòng dân thì lãnh đạo xã phải nghe theo. Vì thế, với người lãnh đạo thì phải lắng nghe thấu đáo nguyện vọng của dân để đưa ra những quyết sách cho phù hợp với lòng dân. Quyết sách nào mà đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu là người dân nghe và làm theo ngay, khỏi cần phải vận động gì cả”, ông Nho đúc kết.

Cũng theo ông Nho, ở Phổ Hòa bây giờ ô tô ra đến tận chân ruộng là nhờ xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn ở khu vực Đồng Miếu - Xóm Cũ. Lúc đầu triển khai, kinh phí không có, lòng dân chưa thông nên không thực hiện được. Mãi hơn một năm kiên trì thuyết phục, người dân mới đồng lòng tham gia. Giờ cánh đồng bằng phẳng diện tích gần 10ha, có đường giao thông và kênh mương thủy lợi, được chia cho 54 hộ dân, mỗi thửa từ 1 - 8 sào. “Thấy được hiệu quả nên giờ người dân bảo xã làm tiếp, không có tiền hỗ trợ cũng được, miễn là cải tạo đất để thuận tiện sản xuất là được…”, ông Nho cười nói.

Mỗi người dân là “tai, mắt” của công an


Trà Bồng là huyện miền núi của tỉnh có địa bàn rộng, phần lớn cư dân là đồng bào thiểu số. Có thời điểm, trên địa bàn huyện nổi lên một số vấn đề “nóng” như: Khiếu kiện, tranh chấp đất đai; xâm chiếm, phá rừng phòng hộ... Đặc biệt, một số đối tượng núp dưới danh nghĩa làm từ thiện, nhân đạo để tiến hành các hoạt động chống phá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo, hòng gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Thượng tá Đỗ Phi Hùng - Phó Trưởng Công an huyện Trà Bồng cho biết: Trước tình hình trên, đơn vị đưa cán bộ xuống địa bàn thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân để nắm tình hình. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người có uy tín. “Giờ đây, mỗi người dân là “tai, mắt” của lực lượng công an, nên tình hình ANTT trên địa bàn huyện luôn được giữ vững”, thượng tá Hùng, nói.

Cũng theo thượng tá Đỗ Phi Hùng, việc đảm bảo ANTT  ở miền núi nói chung, vùng đồng bào thiểu số nói riêng có rất nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công an huyện dựa vào dân. Thông qua diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, người dân đã nêu trên 200 ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an nhân dân huyện ngày càng lớn mạnh về mọi mặt.

 

Bài, ảnh:  N.TRIỀU - X.THIÊN
 


.