(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chia sẻ của những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2011-2015, được Tỉnh uỷ biểu dương, khen thưởng và gửi thư khen.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Ông Trần Khanh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn):
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải xuất phát từ cái “tâm” của chính mình. Là một người làm công tác nhân đạo, ông Khanh luôn yêu nghề và đồng cảm với người nghèo khó. Nhiều năm qua, ông đã chủ động tìm các phương thức vận động để giúp đỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu chỉ là những công việc nhỏ nhặt như lo đám tang cho những người có hoàn cảnh neo đơn qua đời ở trong thôn ông sinh sống. Sau đó, là vận động tiền hỗ trợ cho người nghèo chữa bệnh nan y, tặng quà Tết cho người nghèo, phát động phong trào “nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện”…
Hiện nay, có 10 gia đình nghèo ở thị trấn Châu Ổ được hỗ trợ 15kg gạo/tháng từ nguồn vận động của ông… Ông Khanh, nói: Đối với người làm công tác chữ thập đỏ, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ…”, tôi nhận làm công việc này cũng thấm nhuần từ lời dạy của Người.
* Ông Trần Ngọc Vương- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh).
Với kinh nghiệm 36 năm công tác trong ngành giáo dục nên sau khi về hưu, ông Vương đã tham mưu cho địa phương thành lập Hội Cựu giáo chức xã vào năm 2012. Lúc này, ông nghĩ phải làm một cái gì đó có ích cho địa phương, nên sau khi bàn bạc, các thành viên trong hội thống nhất mở lớp dạy chữ cho trẻ khuyết tật ở địa phương. Nói là làm, ông cùng các thành viên lặn lội đến từng nhà vận động những gia đình có trẻ khuyết tật đưa trẻ đến lớp.
Trực tiếp đứng lớp đều là những thầy cô giáo về hưu. “Lúc mới thành lập, nhiều người kể cả lãnh đạo địa phương tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, số trẻ đến lớp tăng dần qua các năm. Nhiều trẻ đã biết được các chữ cái; một số đã biết ghép vần, biết chào hỏi mọi người khiến chúng vui và trẻ ra so với tuổi của mình…”, ông Vương phấn khởi nói.
* Em Nguyễn Ngọc Sơn - học sinh lớp 11B1, Trường THPT Đức Phổ 2 (Đức Phổ)
Cảm nhận về Bác Hồ, Sơn nói: “Bác là hiện thân của những giá trị đạo đức, nhân văn là hiện thân của những khát vọng cao quý của con người, của tinh thần tự học... Vì thế, học và làm theo Bác là một điều giản dị, tự thân, tự nhiên trong mỗi học sinh”. Chính vì thế, Sơn luôn nêu cao tinh thần tự học.
Trong 10 năm liền, Nguyễn Ngọc Sơn đều đạt học sinh giỏi. Điều đặc biệt là, dù ở nông thôn, ít có cơ hội được tham gia học ở các trung tâm ngoại ngữ, nhưng Sơn là “cây Anh văn” của trường. Từ lúc học lớp 9 đến nay, năm nào tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Anh văn, Sơn đều “ẵm” giải.
Lớp 9 là giải nhì, lớp 10 là giải ba và năm học này, Sơn đoạt giải khuyến khích.
Hiếu-Phương-Triều