Tết Lào nơi xứ Quảng

10:04, 13/04/2015
.

(Baoquangngai.vn) - Xa quê, không được đón Tết Bunpimay, Tết cổ truyền của nhân dân các bộ tộc Lào (hay còn gọi là Tết té nước), thế nhưng đông đảo các em sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng vẫn có một cái Tết ấm cúng như ở chính quê hương mình.
 
 
Tết xa nhà...
 
Thấm thoắt đã 4 năm, em Louang Lath Bea, 24 tuổi sinh, viên năm 3 khoa Công nghệ và Thông tin đón Tết xa nhà. Còn nhớ năm đầu tiên đón Tết, như bao lưu học sinh trên đất Việt, Tết Bunpimay với Louang Lath Bea không được vui lắm.
 
Nhưng năm nay thì khác, 4 năm đón Tết Bunpimay trên đất Quảng, em đã dần quen với không khí nơi đây. Cái cảm giác lạc lõng ấy không còn khi bên cạnh em luôn có thầy cô và bạn bè. Với em, họ như chính những người thân của mình. Và vì thế, những cái Tết xa nhà ngày càng ấm cúng, thân tình.
 
Louang Lath Bea bộc bạch: “Khi mới qua đây em bỡ ngỡ lắm, nhưng rồi được sự động viên của thầy cô, bạn bè, em nhanh chóng hòa nhập. Hiện em đã nói tốt được tiếng Việt. Em hạnh phúc khi được đón Tết cổ truyền của dân tộc ngay tại nơi mình học. Nó giúp em vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương”.
 
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng quà cho lưu học sinh Lào.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng quà cho lưu học sinh Lào.
 
Tết Bunpimay được tổ chức hàng năm tại Trường Đaị học Phạm Văn Đồng không đơn thuần là lễ hội. Bởi lẽ, nó không chỉ giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, cùng động viên nhau phấn đấu nỗ lực học tập để đạt kết quả cao nhất trong chương trình học tập tại Việt Nam, về phục vụ quê hương, đất nước. Đây còn là dịp để lưu học sinh Lào bày tỏ tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào nói chung và tỉnh Quảng Ngãi với đất nớc Lào nói riêng. 
 
Trong ngày vui hôm nay, em Thanabovasy, sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ và thông tin chọn cho mình bộ áo dài Việt Nam màu hồng xinh xắn, thể hiện bài múa Tấm lòng Lào - Việt Nam. “Em nghĩ, đây là cách mà em có thể bày tỏ tình cảm, lòng tri ân của mình đối với đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là với thầy cô và các bạn sinh viên tại ngôi trường em đang theo học trong suốt 4 năm qua”, Thanabovasy chia sẻ đầy cảm xúc, với khả năng nói tiếng Việt một cách tự tin.
 
Việt - Lào
Bunpimay là dịp để lưu học sinh Lào bày tỏ tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào nói chung và tỉnh Quảng Ngãi với nước Lào nói riêng. 
 
... nhưng đầm ấm
 
Đã 5 năm liên tiếp Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức Tết Bunpimay kể từ khi đón những lưu học sinh Lào đầu tiên vào học tập tại trường theo tinh thần ký kết giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với các nước nam Lào. 
 
Từ năm 2008 đến nay, trường đã đào tạo tiếng Việt và trình độ đại học cho 134 lưu học sinh Lào. Trong đó, 76 sinh viên đã tốt nghiệp, quay về phục vụ quê hương, đất nước. Chương trình đã thể hiện tinh thần hợp tác sâu sắc giữa các tỉnh của Lào như Chămpasak, Sêkông, Attapư với tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Đồng thời, thể hiện quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà các thế hệ tiền bối hai nước đã dày công xây đắp. Tết Bunpimay Lào trên đất Quảng, thêm một lần nữa, nhắc nhở thế hệ trẻ hai đất nước cùng nhau vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt này.
 
 
Buộc chỉ tay.
Buộc vào tay nhau những sợi chỉ nhiều màu sắc, cùng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Đây là một nghi thức không thể thiếu của Tết Bunpimay.
 
Ông Nguyễn Đình Liên, Trưởng phòng Tổ chức học sinh - sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhấn mạnh: “Trong số nhiều lễ hội quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc Lào, nhà trường đều tổ chức cho lưu học sinh khi các em theo học tại trường. Đặc sắc nhất vẫn là lễ hội Bunpimay, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15.4 dương lịch hàng năm. Các em được nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, theo đúng phong tục”, ông Liên chia sẻ thêm.
 
Tết Lào trên đất Quảng không bao giờ thiếu các phong tục đặc sắc trong Bunpimay là té nước, mang đến sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc và thanh khiết cho cuộc sống của con người; buộc vào tay nhau những sợi chỉ nhiều màu sắc, cùng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Sau đó, là múa điệu Lăm-vông, điệu múa truyền thống của dân tộc Lào. Tuy không đậm nét như trên chính đất nước Lào, nhưng không khí thật ấm ấp, thân tình.
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 
 

.