(Baoquangngai.vn)- Kinh qua lửa đạn chiến tranh, người cựu chiến binh năm xưa trở về tiếp tục đóng góp, xây dựng quê hương. Trên đôi nạng gỗ, ông cặm cụi đến từng gia đình để vận động con cháu đến trường học chữ, thoát nghèo gần 15 năm qua. Công việc tuy đơn giản nhưng cũng khá khó khăn, vất vả.
Quyết diệt giặc dốt
Vượt gần 5km từ trung tâm xã Sơn Long, chúng tôi về với thôn Tà Vay, nơi gia đình ông Đinh Văn Đôn, gần 70 tuổi đang sinh sống. Gặp vợ ông, cụ bảo: “Mấy cô lên giờ này trễ rồi, ông ấy vừa đi khỏi nhà. Ra Tết mấy cháu nhỏ bỏ học dữ quá, ông phải đến gặp cha mẹ các cháu, động viên mấy đứa trẻ trở lại trường. Chắc chập tối mới về”.
Mọi người tức tốc đuổi theo già Đôn và may mắn gặp được ông. Trên đôi nạng gỗ, cùng những bước đi khập khiễng, già Đôn đón chúng tôi bằng sự niềm nở, hồ hởi. Hôm nay là bữa thứ 5, già đi vận động con cháu trong thôn trở lại trường sau Tết.
Già Đôn trên đôi nạng đi vận động con cháu đến trường. |
Một người bình thường, việc đi lại chốn núi rừng heo hút đã khó khăn. Còn với ông, một người tật nguyền, việc đi lại khó khăn gấp bội. Có cùng ông đi qua những đồi núi cheo leo, đầy sỏi, đá, đến với từng gia đình mới thấu hiểu và trân trọng hết những gì ông làm cho lớp lớp thế hệ con cháu ở đây. Ấy vậy mà, trên khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi của ông vẫn luôn hé nụ cười thật tươi. “Có thấm gì đâu so với việc cầm súng đi đánh giặc đâu cháu”, già Đôn nói.
Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, với khí thế sục sôi một người thanh niên yêu nước, già Đôn tham gia bộ đội khi tuổi đời còn khá trẻ. Ông kinh qua nhiều chiến trường bom đạn ác liệt, đến tận Campuchia. Trong một cuộc hành quân trên nước bạn, ông đã bỏ lại nơi đây một phần máu thịt của mình.
Trở về đoàn tụ với gia đình với thương tật đến 45% cùng đôi chân không lành lặn, ông được phân làm Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ra Pân (xã Sơn Dung). Năm 2009, xã Sơn Long tách ra từ xã Sơn Dung, ông tiếp nhận chức vụ Trưởng ban công tác mặt trận thôn Tà Vay và trở thành một người có uy tín tại địa phương.
Bao năm qua, bằng sự kiên trì không mệt mỏi, già Đôn vẫn miệt mài đến từng gia đình động con cháu đến trường, bất kể ngày nắng hay mưa. Với già Đôn, học không chỉ để thành công mà còn để thành nhân. Học để biết phân biệt đúng sai, biết tiếp thu cái tốt. Học không chỉ để làm cán bộ mà trước hết là bết tính toán làm ăn, cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình.
Già Đôn luôn là cầu nối thông tin hai chiều từ phụ huynh và nhà trường. |
Công việc cụ thể trong công tác vận động của già Đôn là đến từng nhà thống kê số lượng học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến THPT. Sau đó, báo lại cho nhà trường nắm số lượng để làm tốt hơn công tác quản lý học sinh. Già Đôn luôn là cầu nối thông tin hai chiều từ phụ huynh và nhà trường. Một vật ông luôn giữ bên người là cuốn sổ lưu lại số điện thoại của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm học sinh.
Riêng các gia đình khó khăn, đông con không thể cho các cháu đến trường, già Đôn lặn lội khắp nơi để xin "tài trợ". “Nhà tài trợ” ở đây chính là người thân, bà con chòm xóm của các cháu. Người ít thì vài lon gạo, người nhiều thì phân vàng để con trẻ tiếp tục đến trường, sau khi thành tài sẽ gửi lại.
Già Đôn tâm sự: “Ở đây điều kiện học tập của con em rất khó khăn. Nhiều gia đình cơm mới đủ ăn lấy đâu ra mà học chữ. Nếu để dân mình mù chữ là mình có tội. Vì thế mình phải bỏ sức ra để xin “tài trợ” cho các cháu”.
“Trái ngọt” ân tình
Sơn Long là một xã mới tách ở huyện vùng cao Sơn Tây. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, trình độ dân trí còn lạc hậu. Chính vì vậy, việc quan tâm đến giáo dục vẫn còn bỏ ngỏ. Tỷ lệ học sinh bỏ học và học giã gạo luôn ở mức báo động cao.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh ra lớp tăng lên đáng kể, từ khoảng 60% lúc mới tách xã nay nâng lên gần 98%. Kết quả này có sự đóng góp không hề nhỏ của thương binh Đinh Văn Đôn.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Long chia sẻ: “Đối với một ngôi trường ở xã vùng cao khó khăn như Sơn Long thì việc đảm bảo sĩ số học sinh rất quan trọng. Thật vui khi có chú Đôn giúp đỡ. Tỷ lệ học sinh bỏ học, học giã gạo của trường bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người làm công tác giáo dục cũng được san sẻ và động viên rất nhiều”.
Gia đình em Đinh Văn Trên, hiện đang là học sinh Trường THTP Thị Trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhà có ba anh em đang tuổi đi học. Thương cha mẹ vất vả việc nương rẫy, suốt những năm học cấp 2, em định bỏ học để phụ giúp cha mẹ. Nhiều lần thầy cô giáo đến động viên thuyết phục nhưng em vẫn không trở lại trường. Với sự giúp đỡ của già Đôn, cả phụ huynh và bản thân em Trên đã nhận ra việc học quan trọng như thế nào.
Mẹ em Trên, bà Đinh Thị Thi (45 tuổi, ngụ thôn Tà Vay) chia sẻ: “Giờ thì cháu cũng sắp tốt nghiệp cấp 3 rồi. Tôi biết ơn chú Đôn lắm và sẽ cố gắng cho cháu học tiếp để có công việc ổn định, phụ giúp gia đình nuôi em đi học”.
Thực tế, từ công tác tuyên truyền, vận động của mình, gần 15 năm qua già Đôn đã dẫn dắt hàng trăm con cháu ở địa phương từ trong gian khổ, tăm tối bước ra với ánh sáng của con chữ. Trong số đó, phải kể đến các thế hệ thành đạt như anh Đinh Xa Bôn, hiện đang công tác tại Huyện Đội Sơn Tây; anh Đinh Văn Tê, công tác tại Sư đoàn Bộ binh II, Quân khu V; anh Đinh Thất Việt, công an viên thôn Tà Vay; chị Đinh Thị Ngạch, giáo viên Trường Mẫu giáo thôn Ra Pân…
Lo việc nước nhưng không quên việc nhà. Thấy sự tận tụy của ông trong công tác vận động học sinh đến trường học chữ, thoát nghèo, các con ông đều nghe lời ông chăm học. Bây giờ, các con ông đều có công ăn việc làm ổn định.
Những con đường khấp khuỷu, dốc đá, hằng ngày vẫn in dấu bước chân của thương binh Đinh Văn Đôn. Bằng tấm lòng với thế hệ trẻ vùng cao, ông vẫn đang dốc toàn bộ tâm trí và sức lực để con trẻ quê ông không bị thất học.
Các tin liên quan |
Bài, ảnh: Th.Hậu