Tiến tới Đại hội Dân tộc thiểu số lần 2: Giảm nghèo bền vững ở miền núi

10:12, 08/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều chương trình, mục tiêu và các cơ chế, chính sách khác được triển khai ở miền núi đã góp phần thúc đẩy  kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc ở các huyện khó khăn trong tỉnh phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập.

TIN LIÊN QUAN

Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư xây dựng 254 công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, nhà văn hoá... Tại huyện Minh Long, năm 2014 đã đưa vào sử dụng 3 công trình y tế xã gồm Trạm y tế xã: Long Môn, Long Mai và Thanh An. Các công trình y tế được đưa vào sử dụng giúp cho người dân có điều kiện đến khám và điều trị bệnh được thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Có mặt tại buổi lễ khánh thành, chị Đinh Thị Bảy- người dân xã Thanh An vui mừng cho biết: Người dân chúng tôi mong có trạm y tế mới thay cho cái trạm cũ xuống cấp đã lâu rồi nhưng giờ mới có. Có trạm y tế mới khang trang, bác sĩ phục vụ tận tình, bà con rất yên tâm khi đến khám bệnh.

Cây keo phát triển ngày càng nhiều ở Ba Tơ đã góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng dân tộc thiểu số.             Ảnh: P.ĐỨC
Cây keo phát triển ngày càng nhiều ở Ba Tơ đã góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: P.ĐỨC


Thông qua Chương trình 30a, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng hưởng lợi được triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính trong năm 2014, Quảng Ngãi đã phân bổ cho các huyện miền núi 48,2 tỷ đồng để thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ nguồn vốn này, các địa phương thực hiện các chính sách như khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước; hỗ trợ giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khoán chăm sóc bảo vệ rừng; xây dựng mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, các chính sách phát triển rừng, xuất khẩu lao động, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình…được triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến trong đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đánh giá về hiệu quả Chương trình 30a mang lại trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Phong - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a, bộ mặt KT-XH của địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách được triển khai đồng bộ tạo điều kiện cho các xã nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi Quảng Ngãi hằng năm giảm bình quân 6,3% /năm. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 6 huyện miền núi chiếm 60,87% thì đến nay giảm xuống còn dưới 41%, đạt kế hoạch so với mục tiêu của Nghị quyết 30a.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, các huyện miền núi tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng miền núi theo hướng sản xuất hàng hoá; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương trong thời gian tới: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, chúng tôi xác định giải pháp và thực hiện khả thi các nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra, đó là phát triển mạng lưới giao thông, nguồn nhân lực và tập trung khâu đột phá về du lịch. Tập trung đào tạo nghề nông thôn, phát huy hiệu quả trung tâm dạy nghề, liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận thức được vấn đề giảm nghèo là thực chất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Nghị quyết 30a được ban hành và đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội, tạo động lực cho các huyện nghèo vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và sự vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân khu vực miền núi tỉnh.

T. T
 


.