Hồ Giáo và kỷ niệm với Bác Phạm Văn Đồng

06:05, 23/05/2014
.

*TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Một sáng cuối tháng 4 năm 2000, trong đoàn người đến viếng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong ngày đại tang, giữa một rừng quan khách “áo vét, giày da” chỉnh tề, người ta thấy có một cụ già, ăn mặc vô cùng giản dị, xếp hàng đợi đến lượt mình đến vái anh linh Bác Đồng. Người đó là Anh hùng Hồ Giáo.

TIN LIÊN QUAN


Ông Giáo họ Hồ, quê Sơn Tịnh, còn Bác Đồng họ Phạm, quê Mộ Đức, cả hai không phải họ hàng, chênh lệch nhau về tuổi tác khá xa, lại làm việc trong những lĩnh vực và vị trí công tác khác nhau, ấy vậy mà giữa họ có một mối thâm tình đặc biệt, để trong ngày đại tang ấy, Hồ Giáo đã có mặt trong đoàn người đến viếng với tư cách là thành viên trong đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi.

 

Hồ Giáo và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh Tư liệu
Hồ Giáo và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh Tư liệu


Chuyện bắt đầu từ một chuyến thăm Nông trường Ba Vì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hồ Giáo nhớ lại: “Tôi xuất ngũ và về công tác ở Nông trường Ba Vì, nhiệm vụ là chăn nuôi bò sữa. Năm 1965, một sáng nọ, ban giám đốc nông trường thông báo là có Thủ tướng về thăm nông trường, anh em công nhân ăn mặc chỉnh tề để đón đoàn. Sau khi làm việc với ban giám đốc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được ban lãnh đạo giới thiệu đến thăm Đội 8, đơn vị do Hồ Giáo làm đội trưởng, được xem là điển hình tiến tiên của nông trường.

Sau khi tham quan trại bò, Thủ tướng nghe tôi báo cáo tình hình chăn nuôi của đội, ông bất chợt hỏi: “Hình như đồng chí quê Quảng Ngãi?”. Tôi thú nhận: “Dạ vâng, cháu quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi”. Thủ tướng vỗ vào vai tôi, giọng thân mật: “Đồng chí học lớp mấy rồi?”. Tôi ấp úng: “ Dạ, cháu đang học bổ túc lớp hai mà chữ được chữ mất ạ”. Thú thật là tôi rất xấu hổ vì phải “khai thiệt” như thế với Bác Đồng. Làm sao để con bò mập mạp, cho sữa nhiều nhất là chuyện không quá khó với tôi nhưng bảo tôi làm phép tính nhân, tính chia cho nhuần nhuyễn là một cực hình. Nghe tôi trả lời vậy, Thủ tướng nhỏ nhẹ: “Đồng chí cố gắng học nhé. Học để phục vụ công tác tốt hơn”. Tưởng Bác Đồng căn dặn “cho qua chuyện”, không ngờ đúng một tuần sau, trên nông trường báo tin Hồ Giáo có một gói quà của Thủ tướng! Tôi lên nông trường nhận quà mà lòng hồi hộp khôn tả. Vì làm gì một anh công nhân chăn bò như tôi mà được nhận quà của Thủ tướng!

Mở gói quà ra xem, tôi quá bất ngờ vì trong đó là mấy tập giấp trắng và một hộp bút kèm lá thư vắn tắt, đại ý Bác Đồng dặn dò là Hồ Giáo cố gắng học thật tốt để có thể tự mình viết thư cho Thủ tướng. Thực ra, Bác Đồng gửi quà mà là giao nhiệm vụ cho tôi”.

Kể từ hôm đó, Hồ Giáo lao vào học chữ. Hết công việc ban ngày, đêm đêm anh Giáo lại quần với các con chữ và những phép tính. Đúng một năm sau, nhân Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, Hồ Giáo được vinh dự về Thủ đô dự đại hội và nhận danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ nhất.

Gặp lại Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ngoài việc báo cáo tình hình công việc chăn nuôi, Hồ Giáo cũng báo luôn với Bác Đồng là mình đã đọc thông viết thạo và làm được những phép tính đơn giản. Bác Đồng đã mời Hồ Giáo dự bữa cơm thân mật với ông ngay trong Phủ Thủ tướng. Đó là bữa cơm “rau mắm” nhưng Hồ Giáo chẳng thể nào quên.

 

Hồ Giáo trở lại Nông trường Ba Vì năm 2008. Ảnh: Trần Đăng
Hồ Giáo trở lại Nông trường Ba Vì năm 2008. Ảnh: Trần Đăng


Mối thâm tình giữa Hồ Giáo và Bác Đồng bắt đầu từ ngày ấy, nhất là sau khi ông trở thành Đại biểu Quốc hội liên tục trong nhiều khóa liền. Hễ có dịp về Hà Nội hội họp là ông lại được “diện kiến” Bác Đồng. Và bao giờ Thủ tướng cũng không quên nhắc ông chuyện học tập. Thủ tướng coi chuyện học cũng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng chẳng khác gì việc nuôi bò.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Hồ Giáo giã biệt Nông trường Ba Vì để về Sông Bé. Nơi ấy có đàn trâu Mura đợi ông. Trâu Mura ở Sông Bé ngày ấy như một “món quà” mà Chính phủ Ấn Độ của bà Thủ tướng Ganhdi-người bạn thân thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Việt Nam. Chính tại vùng đất mới này, Hồ Giáo một lần nữa được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2. Năm 1990, đúng tuổi hưu, Hồ Giáo trở lại quê nhà, “món quà” mà ông mang theo là một đàn trâu Mura. Trại trâu Nghĩa Hành cũng hình thành từ đó đến ngày Hồ Giáo về hưu lần thứ 2 năm 2010.

Những năm cuối đời, mỗi lần về thăm quê, bao giờ Bác Đồng, lúc thì lên tận nơi Hồ Giáo chăn trâu để thăm hỏi, khi thì cho người gọi Hồ Giáo đến Nhà khách A3 để Bác Đồng thăm. Còn nhớ mùa hè năm 1991, Bác Đồng về thăm quê và cho người gọi Hồ Giáo đến nơi bác nghỉ để ông thăm. Bác Đồng hỏi: “Nhà Giáo có ti vi chưa?”. Hồ Giáo thật thà: “Dạ cháu vẫn dùng cái radio dạo nào thôi ạ”. Bác Đồng lại hỏi: “Giáo thích tivi loại gì để mình tặng?”. Hồ Giáo “khiêm tốn”: “Dạ cháu chỉ cần cái Vietronic trắng đen thôi ạ”. Cái ti vi trắng đen- món quà Bác Đồng tặng cho Hồ Giáo đã theo ông mãi đến chục năm sau. Bao giờ cũng vậy, thật thà, khiêm tốn, không “tranh phần” của ai, đó là một trong những phẩm chất mà Hồ Giáo luôn “nuôi” trong người mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi xa 14 năm nay nhưng mỗi lần nhắc đến, bao giờ Hồ Giáo cũng dành cho Bác Đồng niềm kính trọng và sự biết ơn vô bờ. Hỏi ông món quà nào “đáng giá” nhất trong đời mà ông nhận được? Ông nói: “Đó là những tập vở và hộp bút mà Bác Đồng đã tặng ông lúc còn ở Ba Vì”!

 


.