Về Vũng Chùa viếng Đại tướng

07:04, 06/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã nửa năm trôi qua kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình yên nghỉ vĩnh hằng, dòng người đổ về Vũng Chùa viếng Đại tướng vẫn không ngớt. Những người con trên khắp đất Việt nối tiếp nhau, lặng lẽ, nghiêng mình thắp nén hương viếng hương hồn vị Đại tướng của nhân dân. Đoàn ra, đoàn vào kéo dài như bất tận…

TIN LIÊN QUAN

Đầu tháng 3, trời Quảng Bình trở lạnh. Mưa lâm thâm cộng với không khí lạnh tăng cường càng khiến cho cái lạnh thêm se sắt. Thế nhưng bất chấp tiết trời không mấy thuận lợi, mới sáng sớm, con đường ngã ba xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch từ Quốc lộ 1A rẽ xuống Vũng Chùa đã chật kín những đoàn xe nối đuôi nhau. Những đoàn xe mang biển số từ cực Bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên hay miền Trung như Quảng Trị, Nghệ An, Đắc Lắc, cho đến tận phương Nam xa xôi như Cần Thơ, Cà Mau… chở đầy khách nối đuôi chầm chậm tiến về khu an táng Đại tướng. Con đường từ ngã ba giao nhau với Quốc lộ 1A xuống khu mộ Đại tướng dài ước chừng 2 cây số bỗng trở nên “sầm uất” bởi ken đặc những hàng quán nhỏ đã được dựng lên dọc hai vệ đường bán hàng lưu niệm.

Du khách hành hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.            Ảnh: Hoàng Triều
Du khách hành hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Ảnh: Hoàng Triều


Ngồi trên xe lắc lư qua từng khúc cua, anh Trần Quang Ngà, đang học lớp Cao cấp lý luận Chính trị-Học viện Chính trị Hành chính khu vực III, người Quảng Trạch (Quảng Bình) cho hay, trước đây đường vào Vũng Chùa, đảo Yến chỉ là một con đường mòn rất khó đi, còn nay thì xe ô-tô cỡ 50 chỗ ngồi vẫn dễ dàng vào đến tận nơi. Từ khi bác Giáp về đây yên nghỉ, người dân nghèo xã Quảng Đông không chỉ được đi lại thuận lợi mà họ còn có thêm thu nhập nhờ bán hàng lưu niệm, hương, hoa cho các đoàn viếng thăm.

Đến khu mộ táng, dù đã tranh thủ đi từ sớm nhưng chúng tôi vẫn thuộc diện chậm chân bởi dòng người từ khắp nơi đã tấp nập xếp một dãy dài chờ đợi đến lượt viếng. Một đoàn người có cả các cụ ông, cụ bà ngực lấp lánh huy chương, những thanh niên, thanh nữ tuổi đôi mươi mặc áo xanh của Đoàn thanh niên, cho đến những em bé mới chỉ 5-7 tuổi, tất cả đều ăn mặc chỉnh tề. Người đông, xe nhiều nhưng khung cảnh rất trang nghiêm và bình yên đến lạ. Có cả trăm chiếc xe, cùng hàng ngàn khách lần lượt ra vào nhưng mọi thứ cứ yên ắng, trầm mặc, thanh âm có chăng cũng chỉ là tiếng loa hướng dẫn đồng bào làm thủ tục thăm viếng xen lẫn với tiếng rì rào của gió, của sóng biển…

Các đoàn dâng hương tĩnh tâm chờ đợi xếp thành hai hàng ngay ngắn và khi đến lượt thì chậm rãi từng bước lên khu mộ Đại tướng. Nơi Đại tướng được an táng nằm ở vùng đất bằng phẳng lưng chừng núi Thọ, dưới chân dãy Hoành Sơn, một ngọn núi nép sát Vũng Chùa. Xa xa phía trước là đảo Yến tựa như một bức bình phong án ngữ, chở che khu mộ. Đứng trên núi Thọ nhìn ra phía biển là một biển nước bình yên, khoáng đạt và theo thuật phong thủy, đây quả là địa thế lý tưởng, đắc địa.  

Dọc hai bên lối lên xuống nơi đặt mộ phần Đại tướng, vòng hoa được xếp ken đặc, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Tại nơi mộ phần Đại tướng yên nghỉ có các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vừa đứng gác, vừa đốt hương và làm luôn cả nhiệm vụ hướng dẫn người dân đến thắp hương viếng Đại tướng. Được biết, việc chăm lo chu đáo mộ chí Đại tướng được đặc trách bởi một tiểu đội chiến sĩ biên phòng canh gác ngày đêm thuộc Đồn Biên phòng Roòn.

Trong một câu chuyện được người bạn đồng nghiệp Quảng Bình kể, cách đây cả chục năm, Đại tướng đã về Vũng Chùa mắc võng thư thái nghỉ trưa giữa phong cảnh hữu tình này và vị tướng của lòng dân đã chọn Vũng Chùa, đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng. Và khi đến nơi này, hẳn nhiều người cũng sẽ hiểu được quyết định của vị tướng lẫy lừng năm châu. Vũng Chùa có một địa thế đẹp, là vùng đất nên thơ với bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn màng, nằm cách chân đèo Ngang (địa giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) về phía đông nam chỉ dăm bảy cây số. Ở giữa Vũng Chùa, du khách sẽ cảm nhận ngay cảm giác thanh bình giữa mênh mông biển trời, trong tiếng rì rào của sóng và gió.

Giờ đây, trên đường thiên lý Bắc Nam, mỗi khi qua Quảng Bình, nhiều người không thể không ghé thăm nơi an nghỉ của Đại tướng. Bởi khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thật sự trở thành một địa chỉ hành hương của người dân cả nước. Theo những người lính biên phòng bảo vệ khu mộ Đại tướng thì thời gian qua, trung bình mỗi ngày có chừng 6-7 nghìn người dân từ ba miền về thắp hương viếng mộ Đại tướng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng du khách về thắp hương đã tăng đột biến, có ngày lên đến cả vạn người.

Hòa trong dòng người đủ mọi thành phần, lứa tuổi, cậu đoàn viên thanh niên Nguyễn Mạnh Dũng đến từ Đà Nẵng sau khi thắp nén hương cho Đại tướng trầm tư bộc bạch, có đến đây mới thấy hết lòng thành kính của nhiều người dân trong cả nước dành cho Đại tướng và vì thế mà tuổi trẻ như chúng tôi cần phải làm những việc thật có ý nghĩa để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vũng Chùa vào trưa nhưng vẫn không có giọt nắng nào. Mưa vẫn lất phất rơi. Những cơn gió biển vẫn đều đều hắt vào đoàn người hành hương. Trời thì lạnh mà lòng người như được sưởi ấm. Từ trên núi Thọ phóng mắt xa xa về đảo Yến, hít sâu bầu không khí an lành, cảm giác lâng lâng với nhiều xúc cảm…


Hoàng Triều

 


.