(Baoquangngai.vn)- Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ khép lại, Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) giờ đã bình yên. "Chốn địa ngục trần gian" năm xưa nay đang cựa mình chào ánh bình minh. Thời gian trôi qua, nhưng với những những cựu tù chính trị Côn Đảo ký ức về chốn “địa ngục trần gian” với bao xương máu của đồng đội, đồng chí không bao giờ phai trong tâm trí họ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong hành trình tìm về với lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với "nhân chứng sống" của Côn Đảo- ông Phan Hoàng Oanh (1945)-Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Côn Đảo một trong số những cựu tù chính trị Côn Đảo đang sinh sống tại Côn Đảo .
Ký ức oai hùng
Nằm nép mình một góc trong khuôn viên dinh Chúa đảo, ngôi nhà của cựu tù chính trị Côn Đảo Phan Hoàng Oanh lúc nào cũng có khách đến thăm. Họ đến đây để nghe ông- một trong những "nhân chứng sống" của Côn Đảo kể về cái thuở bi hùng nơi “địa ngục trần gian”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông trong một buổi chiều mưa, bên ấm trà nóng, cuộc đời cách mạng của ông và những năm tháng đấu tranh bất khuất của những người cựu tù Côn Đảo năm xưa lại lần lượt hiện về như những thước phim quay chậm. Mỗi chi tiết nhỏ của ký ức ngày nào vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, thiêng liêng và nguyên vẹn.
Sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, từ giao liên, tiếp tế cho bộ đội đến công tác phong trào thanh niên… ông Oanh đều hăng hái tham gia. Năm 1969 khi đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Đông Hưng (An Biên, Kiên Giang) ông bị giặc bắn bị thương, sau đó bị giặc bắt vào khám Kiên Giang. Trải qua nhà tù Cần Thơ rồi đến trại giam Chí Hòa. Năm 1970, vì tội tổ chức tù nhân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và đòi được làm lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khám, ông bị địch bắt đày ra nhà tù Côn Đảo.
Ông Phan Hoàng Oanh- Cựu tù chính trị Côn Đảo kể chuyện về quá khứ bi hùng của "chốn địa ngục trần gian" |
Những năm tháng ở trại Phú Bình nơi được mệnh danh là chuồng cọp kiểu Mỹ với những cực hình tra tấn dã man cho tới tận bây giờ vẫn hằn tâm trí ông. Hình ảnh về khu chuồng cọp bao quanh bằng dây thép gai, các dãy phòng giam chật chội, ẩm thấp. Mùa mưa, nước ngập cả nền phòng giam, người tù lúc đó chỉ có thể ngủ ngồi, còn mùa nắng, trần nhà lợp bằng tôn xi măng, hơi nóng hừng hực phả vào các phòng giam, khiến người tù vô cùng khổ sở lại ùa về trong ký ức của ông.
"Những ngày tháng bị giam cầm ở đó cũng là lúc thể hiện tinh thần quật cường, lòng trung thành với cách mạng của chúng tôi. Những người tù từng ngày từng giờ đều bị đầy đọa cả về mặt thể xác và tinh thần, chúng muốn biến nơi đây trở thành một địa ngục thật sự nhằm giết dần giết mòn những chiến sĩ cách mạng bằng những ngón đòn cực kỳ nham hiểm để tra tấn và làm cho những tù chính trị khuất phục. Tôi và đồng đội đã nếm trải không biết bao nhiêu nhục hình dã man và tàn bạo của đế quốc Mỹ hết bị đánh đập, đổ nước xà bông vào miệng đến treo ngược lên trần nhà, bị xiềng chân và bị bỏ đói..."- ông Oanh bùi ngùi, xúc động nhớ lại những ngày ở “địa ngục trần gian.
Nỗi cực khổ của tù nhân Côn Đảo không thể nào có thể tả hết, nhưng "địa ngục trần gian" được xem là pháo đài không thể xâm phạm ấy không thể kìm kẹp và làm tàn lụi ý chí đấu tranh kiên định vì độc lập tự do của các chiến sĩ cách mạng.
"Dù bọn đế quốc dùng nhiều thủ đoạn để làm lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Tuy vậy, ông cùng với những người tù chính trị tại Côn Đảo không hề nao núng, luôn kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng. Kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chào cờ, chống chiến tranh… "-giọng ông Oanh rắn rỏi.
Trại Phú Bình- Chuồng cọp kiểu Mỹ một trong những chứng tích ghi lại tội án của đế quốc Mỹ |
“Bị tra tấn cả về tinh thần và thể xác với nhục hình tàn độc như vậy, sức mạnh nào giúp ông và những người tù chính trị yêu nước vượt lên tất cả, vẫn kiên cường đấu tranh đến cùng?” Tôi cắt ngang những ký ức của ông bằng một câu hỏi đầy tò mò.
"Càng gian khổ, anh em đồng chí chúng tôi càng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Bản thân mỗi người đều coi “đấu tranh trong tù cũng là một mặt trận”, không ai được phép gục ngã trên mặt trận đó cho dù có phải hy sinh cả tính mạng của mình. Để làm được điều đó không những cần một sức sống mãnh liệt, một tinh thần lạc quan mà hơn hết thảy là một niềm tin tuyệt đối vào con đường mà chúng tôi đã lựa chọn. Chúng tôi luôn tin tưởng cách mạng sẽ thành công"- ông Oanh bày tỏ.
Vượt qua năm tháng, lịch sử đã ở lại phía sau nhưng tinh thần cách mạng và ý chí kiên trung của những người cộng sản vẫn là một bản anh hùng ca bất khuất còn mãi nơi đây. Những ngày tháng chiến đấu âm thầm trong "địa ngục trần gian" không chỉ là niềm tự hào của ông mà của cả những người đã anh dũng hi sinh ở chốn này. Xen giữa những câu chuyện về đời cách mạng đầy hào hùng ấy, chúng tôi còn được nghe ông kể nhiều câu chuyện về tinh thần đấu tranh của cha ông đi trước, những con người không tiếc máu xương để có được cuộc sống như hôm nay.
Quê hương thứ 2
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ai cũng mong đợi ngày về đoàn tụ gia đình và muốn rời xa mảnh đất đau thương này, nhưng ông Phan Hoàng Oanh và không ít cựu tù lại tự nguyện ở lại xây dựng vùng đất này và chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai.
"Quyết định ở lại Côn Đảo là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Bởi lúc này, tôi còn gia đình và vợ con ở nhà. Thế nhưng, với tâm nguyện đem chút sức lực để đóng góp xây dựng Côn Đảo ngày một tươi sáng và để hàng ngày được gần gũi và chăm sóc phần mộ cho những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh nơi đây. Tôi quyết định ở lại gắn bó với hòn đảo xinh đẹp này"- ông Oanh cho biết.
Côn Đảo hôm nay, đẹp và bình yên |
Với tâm nguyện đó, năm 1976, ông trở về quê nhà đem vợ con ra Côn Đảo an cư lập nghiệp cho đến nay. "Những ngày đầu sau giải phóng, cuộc sống ở Côn Đảo còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng những khó khăn này, không làm cho ông và những đồng đội nản chí, mà ngược lại, chính những khó khăn đó lại càng làm cho phẩm chất bất khuất kiên cường của người chiến sĩ cách mạng năm xưa càng tỏa sáng"- ông Oanh nhớ lại.
Côn Đảo giờ đã bình yên, cuộc sống giờ đã đổi thay từng ngày. Trong công cuộc xây dựng Côn Đảo, ông và những đồng đội năm xưa cũng đã từng kinh qua nhiều chức vụ công tác khác nhau góp phần xây dựng nên Côn Đảo ngày hôm nay. Nay, tuổi đã cao, ông cũng như nhiều đồng đội khác đã nghỉ hưu.
Mặc dù vậy, nhưng mỗi khi du khách đến Côn Đảo, nhất là thế hệ trẻ đều tìm đến ông và những cựu tù đang sinh sống ở Côn Đảo để nghe kể chuyện về tinh thần quật cường cách mạng của những cựu tù chính trị năm xưa. Với ông, đó là một nguồn vui bất tận...
Bài, ảnh: Bảo Ngọc