Những phụ nữ làm theo Bác

11:03, 09/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những việc của các chị làm tuy nhỏ nhoi, thầm lặng từ việc gom từng nắm gạo, nhặt từng cái ve chai, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ sau những buổi chợ,… nhưng nó có ý nghĩa rất lớn, vì đã góp phần hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ nghèo hoặc gặp khó khăn, hoạn nạn vươn lên trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Đến bây giờ, chị em phụ nữ ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông (Bình Sơn) vẫn luôn tin rằng quyết định giới thiệu chị Nguyễn Thị Mình làm Chi hội trưởng phụ nữ của thôn là đúng. Trước những năm 2011, chị Mình luôn là một hội viên tiên phong gương mẫu trong mọi hoạt động của chi hội, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của chị em trong tình cảm cũng như vật chất. Vì thế, đến năm 2011 chị được các hội viên tin tưởng và bầu làm Chi hội trưởng. Chị Mình cho biết, Chi hội phụ nữ thôn Sơn Trà có hơn 400 hội viên tham gia sinh hoạt tại 12 tổ. Ngay sau khi triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, BCH Chi hội đã tự nguyện đăng ký làm theo Bác từ những việc làm cụ thể bằng cách vận động chị em tiết kiệm chi tiêu trong cuộc sống gia đình, lao động sản xuất dưới mọi hình thức. Mô hình hũ gạo tình thương cũng ra đời từ đó và đã gắn kết tình cảm chị em lại với nhau.

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tặng giấy khen cho những cá nhân nữ điển hình trong việc học tập và làm theo Bác.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tặng giấy khen cho những cá nhân nữ điển hình trong việc học tập và làm theo Bác.


Năm 2012, Chi hội đã đặt được 270 hũ gạo tại nhà của các hội viên tiêu biểu, thu gom được hàng trăm kg gạo để giúp đỡ hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn, em nhỏ mồ côi,… Thấy được hiệu quả của mô hình, năm 2013, Chi hội đã vận động 100% hội viên tham gia đặt hũ gạo tình thương tại nhà và thu được gần 1.300 kg gạo giúp đỡ 68 hoàn cảnh khó khăn. Chị Mình còn vận động hội viên quyên góp tiền hỗ trợ cho ông Đỗ Mười ở địa phương bị xuất huyết dạ dày; giúp đỡ khó khăn đột xuất cho ông Trần Trung 4,8 triệu đồng để chữa trị bệnh tim.

Ông Trung là gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, bản thân ông bị mắc bệnh hiểm nghèo, còn vợ cũng bị suy thận, 5 đứa con của ông đã có gia đình và ra sống riêng nhưng kinh tế khó khăn nên cũng không có điều kiện để giúp đỡ ba mẹ. “Những việc tôi làm đều xuất phát từ tận đáy lòng. Bản thân tôi luôn mong muốn có thể làm được nhiều việc gì đó nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn, nhằm động viên họ vươn lên trong cuộc sống”, chị Mình, bộc bạch.

Có thể nói rằng, để có thể làm tốt vai trò của mình trong xã hội và không phụ lòng tin của chị em hội viên, chị Mình đã đón nhận những lời động viên, chia sẻ đầy trách nhiệm từ các thành viên trong gia đình. Chính chồng và con trai của chị là người đã gợi ý và ủng hộ chị trong việc triển khai thực hiện mô hình thu gom phế liệu, sau một lần thấy mô hình này làm ăn có hiệu quả được phát trên truyền hình. Sau khi mô hình thu gom phế liệu được phát động vào giữa năm 2012, định kỳ đến ngày 20 hàng tháng, chị em trong BCH Chi hội dọn vệ sinh ở những nơi công cộng và thu gom phế liệu rồi tích góp.

Đến cuối năm 2013, Chi hội đã thu được gần 10 triệu đồng từ tiền bán phế liệu. Số tiền trên đã được Chi hội làm 5 sổ tiết kiệm, hỗ trợ mổ tim cho 1 chị hội viên và 6 cháu mồ côi tàn tật,… Mô hình này đã thật sự mang lại hiệu quả và đang được các Chi hội phụ nữ trong xã triển khai thực hiện. Với những đóng góp đầy trách nhiệm đó, chị Mình được Huyện ủy Bình Sơn và Hội LHPN tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011- 2013).

Mô hình hũ gạo tình thương được các cấp hội phụ nữ triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình hũ gạo tình thương được các cấp hội phụ nữ triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.


Hay như chị Nguyễn Thị Phít (51 tuổi)- Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Sau 10 năm tham gia vào hội phụ nữ thôn, chị cũng được hội viên tin tưởng và bình chọn làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Không chỉ quyên góp được hàng trăm kg gạo giúp hàng chục hội viên phụ nữ nghèo, mà chị còn tranh thủ vận động từ bạn bè và người thân được gần 80 triệu đồng để đổ đá làm đường vào xóm 12 thôn Phú Long. “Trước đây đoạn đường này thường xuyên lầy lội, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ ra việc vận động những người thân và bạn bè, nhất là những người lập nghiệp trong Nam về thăm quê để quyên góp làm lại đoạn đường, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”, chị Phít chia sẻ.

Còn chị Trần Thị Mịn (48 tuổi)- Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thanh Long, xã Đức Thắng (Mộ Đức) thì có cách làm riêng. Trong 3 năm qua, chị đã triển khai lồng ghép việc học tập nhiều nội dung, câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó phát động hưởng ứng thực hiện việc làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, như xây dựng mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, mô hình tổ hùn vốn tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm,… “Thông qua các mô hình này, Chi hội phụ nữ thôn đã giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ nghèo khắc phục những khó khăn trước mắt và động viên các chị phát triển kinh tế ổn định đời sống gia đình”, chị Mịn, cho biết.

Chị Mịn cũng cho biết thêm, để có được những kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu của chị em phụ nữ trong thôn. Nhất là việc kiên trì vận động chị em hội viên tham gia tích cực các phong trào, thực hiện các mô hình đã mang lại hiệu quả cao. Như mô hình tổ hùn vốn tiết kiệm, khi vừa mới phát động chỉ có 1 tổ gồm 18 chị tham gia, mỗi tháng chỉ đóng góp vào sổ tiết kiệm từ 10- 30 nghìn đồng/người/tháng. Đến nay, nhờ sự vận động của chị đã nâng con số đó lên gần 100 chị tham gia trong 4 tổ và số tiền thu được trong năm hơn 600 triệu đồng, cho 30 chị vay với lãi suất 0,65% để chăn nuôi bò, heo, buôn bán nhỏ, mua phân, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất,… “Qua mô hình này chúng tôi đã giúp được hàng chục phụ nữ có vốn phát triển kinh tế mà không cần phải vay tiền với lãi suất cao ở các ngân hàng, giúp các chị có điều kiện trả gốc trong thời gian sớm nhất”, chị Mịn, nói.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.