Vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được khẳng định

02:10, 19/10/2012
.

Vai trò của phụ nữ không chỉ xuất phát từ tỷ lệ nữ giới trong tổng số dân mà quan trọng hơn còn thể hiện còn ở vai trò thực tế của phụ nữ trên nhiều mặt của đời sống kinh tế- xã hội.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, phụ nữ tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động. Trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết.

Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011 được trao tại Hà Nội vào tháng 10/2011
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011 được trao tại Hà Nội vào tháng 10/2011

 

Trước hết chúng ta phải thừa nhận vị trí hết sức quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dạy con cái không chỉ lúc trẻ mới sinh, mà ngay cả lúc trưởng thành.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tỷ trọng nữ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 66,8%, trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến là 57,5%, trong các doanh nghiệp dệt là 60,8%, trong các doanh nghiệp may là 81,5%. Tỷ trọng phụ nữ trong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật cũng đã tăng lên so với trước đây.

Hiện có khoảng 24% đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XIII) - thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, châu Á và thế giới.

Tỷ lệ nữ giáo viên phổ thông lên tới 70,9%; tỷ lệ nữ học sinh trung học phổ thông là 53,2%, nữ học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 53,7%...

Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành như giáo dục, y tế, và dịch vụ.

Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong gia đình, trong đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước và cộng đồng đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng và phát triển của nữ giới. Từ lúc đi học đến khi làm việc, tỷ lệ nữ học sinh ở các trường tiểu học là 48,6%, ở bậc trung học cơ sở 48,5%, ở bậc trung học phổ thông còn cao hơn, đã đạt tới 53,2%.

Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường, Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Sau khi có Luật bình đẳng giới, việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn.


Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua hướng đến việc nâng cao vai trò đội ngũ lao động nữ. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây.

Có thể nói, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động v.v…

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, vai trò của người phụ nữ không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, hiện thời chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới.

Tỷ số giới tính (số nam/100 nữ) năm 2011 của toàn bộ dân số là 97,9, riêng ở thành thị là 95,0, ở nông thôn là 99,3, nhưng tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/ 100 bé gái) trên phạm vi cả nước là 111,9 (trong đó thành thị là 114,2, nông thôn là 111,1). Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam hiện chưa phải ở mức báo động, nhưng cần có những biện pháp ngăn chặn hiện tượng lựa chọn giới tính dẫn đến mất cân bằng giới như một số nước ở châu Á đang đối mặt (Trung Quốc, Ấn Độ,…).

Một biểu hiện khác nữa là tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng, tình trạng lạm dụng tình dục đối với trẻ em gái, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Những hạn chế trên đòi hỏi không chỉ hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể quần chúng mà còn đòi hỏi chính quyền các cấp quan tâm giải quyết để phát huy vai trò của phụ nữ hơn nữa.


Theo Đào Lâm/Chinhphu.vn

.