(Báo Quảng Ngãi)- Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam từ trần đã để lại nhiều tiếc thương trong lòng người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Với những cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, hiện đang sinh sống tại Quảng Ngãi cũng đau đáu niềm thương tiếc khi Đại tướng qua đời.
Đau đáu niềm tiếc thương
Những ngày qua, trong ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố số 6, thị trấn Đức Phổ, Đại tá Lê Liêm (90 tuổi), 65 năm tuổi Đảng luôn bần thần khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Lấy khăn thấm dòng nước mắt, Đại đội phó Đại đội Pháo binh, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, Bộ Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ tham gia đánh đồi Him Lam vẫn nhớ như in thời khắc ông cùng các chiến sĩ pháo binh, bộ binh được gặp Đại tướng tại đồi Him Lam. Nghe Đại tướng giải thích việc kéo pháo ra, thay đổi từ chiến thuật từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội.
Bá Sơn Cựu chiến binh Nguyễn Ngoạn xem lại “Huy chương chiến thắng hạng nhất” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng năm 1958. |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1962, Đại úy Lê Liêm trở về Nam phụ trách Đại đội pháo 12,7mm, Quân khu 5. Tham gia kháng chiến chống Mỹ, câu mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!” vẫn in đậm trong tâm trí bác Liêm. Chỉ một câu nói, nhưng cho thấy cả tầm vóc, tư tưởng của một vị tướng tài ba. Chính câu nói ấy đã tạo đà cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều năm trôi qua, bác Liêm luôn đau đáu mong một ngày được gặp lại vị Tổng chỉ huy của mình. Bác Liêm kể: “Trước đây, khi còn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Phổ, tôi đã lên kế hoạch là trong chuyến trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ sẽ ghé thăm Lăng Bác, thăm Đại tướng. Tuy nhiên khi từ Điện Biên về Hà Nội thì Đại tướng bận việc nên không gặp được. Bác Liêm xúc động: Chúng tôi chỉ mong gặp Đại tướng một lần cuối cùng. Đại tướng qua đời, mong ước ấy của tôi cũng như những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa giờ không còn cơ hội thực hiện được nữa. Con người sống xuyên thế kỷ ấy nay đã đi xa, dẫu là quy luật sinh tồn nhưng tôi vẫn thấy đau nhói.
Xin gửi lời chào vĩnh biệt ngàn thu tới Đại tướng
Từng là người lính chiến trường, tham gia các trận chiến, bác Nguyễn Ngoạn (81 tuổi) ở thôn Đông Quang, xã Phổ Văn (Đức Phổ) xúc động nói: “Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi - một người lính thuộc thế hệ đã từng đánh Pháp thời 9 năm, rồi đánh Mỹ, thấy lòng mình như mất mát những điều lớn lao nhất. Người thầy - người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi, nhưng tôi tin chắc dấu ấn của Đại tướng vẫn còn mãi”.
Người lính già Nguyễn Ngoạn ôm tấm “Huy chương Chiến thắng hạng Nhất” do Đại tướng ký tặng năm 1958 vào lòng và kể: Tôi nhớ như in câu nói của Đại tướng vào đầu năm 1962, khi Đại tướng đến thăm và động viên anh em chiến sĩ người miền Nam tập kết ra Bắc tại Việt Trì. Đại tướng hỏi: Các đồng chí có nhớ miền Nam không? Tất cả chúng tôi đều đồng thanh nói có và xin được trở về Nam chiến đấu. Rồi cuối năm 1962, Đại tướng lên thăm đơn vị khi chúng tôi chuẩn bị trở vào Nam chiến đấu. Tại đây Đại tướng nói: “Tôi thay mặt Trung ương Đảng và nhân dân lên thăm, động viên các đồng chí về Nam cùng nhân dân giải phóng miền Nam. Tôi sẽ theo dõi, động viên các đồng chí”. Những lời thăm hỏi, dặn dò ấy của Đại tướng theo chúng tôi mãi trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Người học trò xuất sắc luôn sát cánh bên Cụ Hồ năm xưa đã ra đi. Dù biết ngày này trước sau rồi cũng đến nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, nhiều cựu binh Quảng Ngãi vẫn không khỏi nghẹn ngào, thương tiếc. Các cựu binh Quảng Ngãi ngàn lần tri ân những hy sinh, đóng góp của Đại tướng với dân tộc. Đại tướng ra đi, nhưng những gì ông để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi trường tồn. Cầu chúc Đại tướng an nghỉ bình yên.
Bá Sơn