(QNg)- Ngày 8.8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 6 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ, gồm: Ba Chùa, Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ là An toàn khu (ATK) của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tin vui này không chỉ của huyện Ba Tơ mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau Khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích Ba Tơ được thành lập. Các thành viên trong đội dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Kiệt đã tổ chức tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc" tại bãi Hang Én cạnh dòng sông Liêng. Rồi đoàn quân khởi nghĩa vượt sông Liêng nhắm hướng núi Cao Muôn tiến lên lập căn cứ.
Vùng căn cứ cách mạng Cao Muôn. |
Lần theo lịch sử, chúng tôi về khu vực núi Cao Muôn và theo chỉ dẫn của đồng bào dân tộc Hrê chúng tôi về thăm hang Vọt Rệp, vùng Nước Lá, Nước Sung. Tháng 8, trời chuyển mùa. Núi rừng khoác một màu xanh thẳm. Dòng suối Nước Lá, Nước Sung nước vẫn trong xanh róc rách chảy đêm ngày. Nơi này, từ sau tháng 3.1945 trở thành lối đi về của đội quân du kích Ba Tơ. Dựa vào hình thể núi sông và tấm lòng của đồng bào dân tộc Hrê son sắt thủy chung với cách mạng, Đội du kích Ba Tơ chọn nơi này làm ATK. Vùng căn cứ trên núi Cao Muôn ngày nắng nóng, đêm lạnh, cuộc sống kham khổ. Nhưng với tấm lòng yêu nước, các đội viên du kích dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn... hăng hái học tập chính trị, luyện tập quân sự.
Những ngày đó, ông Phạm Văn Hương phụ trách đội vận chuyển lương thực từ đồng bằng ngược dòng sông Liêng lên chiến khu. Có hôm ở đồn Đá Chát, Pháp phát hiện bắn súng hàng loạt. Nhưng mặc cho địch ngăn cản, nhiều chuyến hàng mang gạo mắm, muối, vũ khí từ đồng bằng chuyển lên bến sông Liêng (nằm ngay cầu bến buôn sông Liêng) rồi được anh em du kích, đồng bào dân tộc gùi vào chiến khu.
Biết Đội du kích Ba Tơ chọn vùng Cao Muôn làm chiến khu, phát xít Nhật đã tiến vào càn quét. Chúng lấy dao cứa cổ già Run nhưng ông dõng dạc trả lời: "Tao già rồi. Nếu tao chết thì con cháu tao sẽ nổi dậy đánh chúng mày. Ở xã Ba Vinh cho đến bây giờ, người dân vẫn cứ nhắc đến bà mẹ Thía nghèo phải đi mót củ, mót khoai nhưng dành gạo để nuôi đội quân du kích. Trong hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ", Trung tướng Phạm Kiệt viết: "Một củ khoai của người nghèo mà nặng tình nặng nghĩa làm sao. Núi Cao Muôn có cao cũng không cao bằng lòng yêu nước, yêu cách mạng của dân. Sông Ba Tơ có sâu cũng không sâu bằng lòng hận thù quân cướp nước trong lòng người Thượng".
Từ sau ngày 14.7.1945, Đội du kích Ba Tơ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tiến về vùng trung châu thành lập căn cứ Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ gian khổ, huyện Ba Tơ mà nhất là 6 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ tiếp tục là vùng ATK của Trung ương và của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đồng chí Phạm Văn Đồng, cán bộ và nhân dân huyện Ba Tơ tăng gia sản xuất, góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Đồng bào các dân tộc đưa con em mình vào bộ đội, tích cực tham gia dân công hỏa tuyến, đánh bại thực dân Pháp ở Kon Plong góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào dân tộc trong huyện mà nhất là 6 xã, thị trấn ở huyện Ba Tơ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tích cực tham gia kháng chiến. Ông Phạm Văn Sáu - nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ tự hào, kể: "Những năm 1969, 1970 ở huyện miền núi này, địch xây dựng căn cứ Đá Bàn, tổ chức nhiều cuộc càn quét vào Ba Vinh, Ba Điền. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã đánh bại chúng. Các lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với các đơn vị chủ lực của tỉnh và Quân khu 5 san bằng căn cứ Đá Bàn, giải phóng huyện lỵ Ba Tơ vào tháng 10.1972.
Ảnh: M.hạ Bảo tàng Ba Tơ. |
Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: "Việc Chính phủ công nhận 6 xã của huyện Ba Tơ là vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp dựa vào các tiêu chí: Đây là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn, nơi tổ chức, huấn luyện, đào tạo và phát triển cán bộ của Đội du kích Ba Tơ và các cơ quan, đơn vị của tỉnh, của Liên khu 5 và Trung ương.
Từ đội du kích, có nhiều người trở thành tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Mặt khác, ở các xã đề nghị công nhận ATK là nơi tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của tỉnh, Liên khu 5 và Trung ương mà sự kiện đáng nhớ như vào năm 1942, đồng chí Huỳnh Tấu và các đồng chí ở Căng An trí Ba Tơ thành lập Ủy ban vận động cách mạng. Sau đó, ở Ba Tơ thành lập Chi bộ Đảng ở Căng An trí Ba Tơ… Nơi đây, còn đảm bảo an toàn và thông suốt các đầu mối liên lạc giữa Trung ương và tỉnh, Đội du kích Ba Tơ với các cấp bộ đảng các địa bàn cách mạng Khu 5 và Nam Trung Bộ. Đồng thời là hậu phương lớn vững chắc cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên.
Việc công nhận các xã và thị trấn của Ba Tơ là ATK trong kháng chiến chống thực dân Pháp không chỉ là niềm vinh dự cho Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Ba Tơ mà còn là việc làm để tri ân những thành viên Đội du kích Ba Tơ cùng nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Đồng thời đây còn là bài học giáo dục về truyền thống yêu nước, bất khuất cho các thế hệ mai sau.
Mai Hạ