Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Học Bác từ những việc làm bình dị nhất - Kỳ 3: Học Bác từ sự tận tâm với công việc

10:06, 02/06/2013
.

(QNg)- Dù tuổi đã lớn, sức khoẻ yếu, nhưng họ vẫn tận tâm với công việc được giao. Nhiều người bảo họ tham công tiếc việc, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng họ vẫn âm thầm thực hiện công việc của mình bằng sự tận tâm.
 

TIN LIÊN QUAN


Người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Đó là ông Lê Thiện Vũ, tổ trưởng Tổ dân phố 4, phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi. Năm nay, ông 57 tuổi nhưng có đến 17 năm được bà con trong khu phố tin tưởng tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. "Có lẽ vì làm quá lâu nên có người trêu tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đấy. Nào có thể từ chối công việc được khi mà bà con trong khu phố chưa muốn cho mình nghỉ!"- ông Vũ đùa vui. Bên trong cửa hàng bán sắt gia dụng của gia đình, ông Vũ sắp xếp cho mình một chỗ làm việc rất ngăn nắp. Điều đó cho thấy, sự tận tâm của ông đối với công việc của một tổ trưởng. Bất kể đêm hôm, sớm trưa, người dân cần là ông có mặt. Chính phong cách làm việc đó mà người dân luôn quý mến, tôn trọng ông.

 

 Ông Lê Thiện Vũ rà soát hộ gia đình văn hoá của tổ.
Ông Lê Thiện Vũ rà soát hộ gia đình văn hoá của tổ.


Ông Vũ nhớ lại, năm 2009 Dự án mở rộng đường Lê Trung Đình, đoạn từ Quang Trung đến Lê Đình Cẩn, tổ dân phố 4 của ông có 20 hộ dân nằm trong diện giải tỏa, trong đó có nhà ông. Ban đầu, ông cũng như bao hộ dân khác hoang mang khi không hiểu rõ chính sách đền bù, giải tỏa. Nhưng rồi qua tìm hiểu, ông cho rằng, đoạn đường này mở ra sẽ góp phần làm cho thành phố khang trang hơn, người dân cũng hưởng lợi rất lớn từ việc làm này. Vì thế, ông xung phong giải tỏa nhà, nhận tiền đền bù, đồng thời động viên các hộ dân còn lại chấp nhận việc giải tỏa. "Trong quá trình vận động, một số người dân không những không chấp hành mà còn có những lời đe dọa đối với tôi"- ông Vũ kể. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc lâu năm, ông Vũ cũng thuyết phục được những hộ này, vì quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất đều được ông bảo vệ thành công.  

Ông Vũ Tâm sự: Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Do đó, tôi tâm niệm rằng, dù chỉ là một cán bộ tổ dân phố nhưng cũng phải tự rèn luyện mình, phải tự giác chấp hành, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương thì dân mới noi theo. Một khi cán bộ của ta làm được điều đó thì chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn:

Phải nắm Luật Biển để làm bửu bối

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, cựu chiến binh Bùi Ngọc Lượng (55 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã trở thành một tuyên truyền viên về pháp luật cho ngư dân và là một trong những thợ lặn đêm giỏi.

Ông Bùi Ngọc Lượng xem những kỷ vật mà ông lặn nhặt được ở ngư trường Hoàng Sa.
Ông Bùi Ngọc Lượng xem những kỷ vật mà ông lặn nhặt được ở ngư trường Hoàng Sa.


 Năm 18 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến tháng 8/1982, trong một lần hành quân cùng đồng đội ông bị thương khá nặng phải cưa bỏ một chân. Trở về cuộc sống đời thường, ông lập gia đình và đối mặt với bao khó khăn vất vả, nhất là sau khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Nhưng với ý chí và nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông không đầu hàng số phận, cam chịu cuộc sống đói nghèo. Hằng ngày, ông lê từng bước chân đi dọc bờ biển tìm kiếm từng con cá, con tôm để lo cho các con. Năm 1998, nghề lặn đêm ở xã Bình Châu bắt đầu phát triển và  vươn ra ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Ông xin các chủ tàu để hành nghề, ai cũng từ chối, vì nghĩ rằng ông mất một chân thì khó mà theo nổi nghề. May mắn có người chủ tàu tốt bụng, thương hoàn cảnh của ông nên đồng ý cho theo. Không ai ngờ chuyến đi đầu tiên ấy ông đã làm nức lòng chủ tàu vì tài lặn của ông. Kể từ chuyến ra Hoàng Sa đầu tiên ấy, các chủ tàu hành nghề lặn ở Bình Châu ai cũng muốn mời cho được “Lượng Cụt”.

Ngư dân Nguyễn Việt, ở xã Bình Châu là thợ lặn cùng thời với ông Lượng cho biết: “Tuy mất đi một cái chân, nhưng trong lao động thì khó ai địch nổi. Có thể trên bờ anh ấy không đi, không chạy bằng ai, nhưng dưới nước thì khó ai theo kịp. Nghị lực vượt lên số phận của anh ấy là động lực tiếp sức cho chúng tôi hăng say lao động trên những phiên biển”.  Sau một thời gian đi bạn, năm 2000 ông Lượng tích góp được ít vốn đầu tư sắm một chiếc tàu nhỏ, công suất 45CV. Đến năm 2004, anh cùng 2 người em trong gia đình hùn vốn đóng mới một chiếc tàu công suất 320 CV. Kinh tế gia đình cũng phất lên từ đó. Con tàu của ông trị giá gần 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 14 lao động. Bình quân mỗi chuyến biển ra khơi thu về khoảng 400 triệu đồng. Đến nay, sau nhiều năm kiên trì bám biển, ông đã cất được căn nhà gần cả tỷ đồng.

Có của ăn của để, ông tập trung lo cho con cái ăn học, con gái đã vào đại học, con trai út đang học phổ thông. Con trai cả thì nối nghiệp cha. Mặc dù đã bước sang tuổi 55, lại mang thương tật, nhiều người khuyên ông nghỉ ngơi nhưng ông vẫn kiên trì bám biển, tuyên truyền các chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến biển, đảo quốc gia cho ngư dân.

Trong quá trình mưu sinh giữa trùng khơi, ông luôn quan tâm giúp đỡ, động viên anh em ngư dân vượt qua bao hiểm nguy của thiên tai, địch hoạ. Trở về đất liền, ông là một trong những CCB gương mẫu. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Ghềnh Cả, ông luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, động viên, giúp đỡ hội viên mượn vốn phát triển kinh tế. Ông là một trong 7 ngư dân vinh dự được biểu dương tại Hội nghị “Ngư dân tiêu biểu khu vực miền Trung trong năm 2012” và cũng là một trong những cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Bác Hồ nói: Thương binh tàn nhưng không phế, nên ngày nào còn sức khoẻ là tôi còn ra Hoàng Sa, Trường Sa làm ăn, truyền nghề lặn cho lớp ngư dân trẻ và phải nắm chắc Luật Biển để làm bửu bối cho mỗi chuyến ra khơi”- ông Lượng bộc bạch.  

 

X.Hiếu - K.Ngân

 


.