Ông Bí thư “3 trong 1”

08:05, 16/05/2013
.

(QNĐT)- Không chỉ là một bí thư gương mẫu, một chủ tịch đầy trách nhiệm, mà ông còn là một già làng uy tín của xã, của làng. Trong những năm qua, ông luôn được người dân trong xã biết đến như là một người đi đầu trong các việc phòng chống dịch bệnh và các hủ tục mê tín dị đoan. Ông chính là Phạm Văn Bút- Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN


Tuyên chiến với dịch bệnh

Khi nói đến xã Ba Điền, nhiều người đều biết đây là “tâm điểm” của bệnh viêm da dày sừng bày tay, bàn chân. Đã có thời gian dài, người dân trong xã bi quan, lo lắng, mất niềm tin trước dịch bệnh bùng phát. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, còn bây giờ, người dân trong xã đã yên tâm hơn, bởi dịch bệnh đã được khống chế. Người dân trong xã đã không tin vào việc chữa bệnh theo lối mê tín dị đoan, ăn ở có vệ sinh hơn… Để có được thành quả đó, có công rất lớn của Bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch UBND xã Phạm Văn Bút.

 

Ông Phạm Văn Bút.
Ông Phạm Văn Bút.

 

Nói về những ngày tháng tuyên chiến với dịch bệnh chết người, ông Bút kể: Vào tháng 4/2011, tại xã Ba Điền xuất hiện một căn bệnh mà không rõ nguyên nhân, nên gọi là “bệnh lạ”. Ban đầu, chỉ có một số ít người dân mắc bệnh, nhưng một năm sau căn bệnh bùng phát mạnh, số người mắc bệnh ngày càng tăng và đã có không ít người người chết vì căn bệnh này.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát không rõ nguyên nhân, đã có nhiều đoàn y tế về xã nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên của căn bệnh. Người dân trong xã bắt đầu hoang mang, lo sợ. Nhiều người còn đồn thổi rằng, sở dĩ bệnh không giảm là do bản làng đã bị ma rừng ám. Thế là nhiều gia đình đổ xô mời thầy cúng về trừ tà. Không dừng lại ở đó, các bản làng đều tổ chức rào làng không cho người lạ ra vào, rồi tổ chức đâm trâu cúng đuổi tà ma… Tà ma đâu không thấy, chỉ thấy xóm làng ngày càng có nhiều người mắc bệnh thêm, nhiều người bị tử vong.

Trước tình cảnh đồng bào của mình bị bệnh tật mà không tìm được nguyên nhân, ông Bút cảm thấy rất xót xa, song đáng lo ngại là tình trạng mê tín dị đoan trong một bộ phận không nhỏ đồng bào H’re trong xã. Với vai trò là Bí thư, Chủ tịch UBND xã và cũng là già làng trưởng bản có uy tín, ông Bút cho rằng, bà con mình do chưa được tuyên truyền, thiếu kiến thức nên khi dịch bệnh bùng phát mà chưa rõ nguyên nhân nên mới tin vào thầy cúng. Muốn vậy phải tuyên truyền để người dân hiểu.

 

Nhờ sự tích cực tuyên truyền của ông Bí thư, chủ tịch UBND xã mà người dân trong xã đã mạnh dạn đến cơ sở y tế để khám bệnh.
Nhờ sự tích cực tuyên truyền của ông Bí thư, chủ tịch UBND xã mà người dân trong xã đã mạnh dạn đến cơ sở y tế để khám bệnh.


Thế là ông cùng tập thể lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo các ngành, mặt trận, hội đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống, không hoang mang, giao động làm ảnh hưởng đến tình đến an ninh-chính trị trật tự an toàn xã hội trong lúc căn bệnh còn nhiều tiềm ẩn; nhất là không được cúng bái, cầu đồng để trị bệnh mà phải đến cơ sở y tế để điều trị. Bản thân ông đến từng gia đình có người bị bệnh để hỏi thăm, động viên gia đình đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cán bộ khám, phát thuốc, không nên tin vào lời thầy cúng, đặc biệt là ăn ở vệ sinh, không ăn gạo mốc…

Suốt ngày này sang ngày khác, ông băng rừng, lội suối đến hầu hết các gia đình có người bị bệnh. Không chỉ trực tiếp đi thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị bệnh, ông còn vận động bà con trong thôn, xóm giúp đỡ những gia đình có người mắc bệnh chăm lo sản xuất, chăn nuôi, để họ yên tâm điều trị. Không dừng lại ở đó, ông đã vận động các lực lượng tại địa phương, góp hàng trăm ngày công giúp đỡ các hộ gia đình bị mắc bệnh gặt lúa, gieo sạ, tổng dọn vệ sinh, làm lều để củi; vận động cán bộ, công chức ủng hộ 1 ngày lương để ủng hộ người dân...


Hiến đất làm Trạm y tế xã

Không chỉ là người tiên phong trong việc đối phó với căn bệnh là và tục mê tín dị đoan, ông cũng là người tiên phong trong việc hiến đất để xây dựng trạm y tế. Ông nói: Thời điểm ấy, thật xót xa khi chúng tôi phải chứng kiến tại địa phương trong một tuần có từ 1 đến 2 người chết vì căn bệnh này; trong khi mùa mưa đường sá đi lại khó khăn (22km đường đá) nên việc vận chuyển bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn có người đã tử vong trên đường đi.

 

Trạm y tế xã Ba Điền được xây dựng trên một phần diện tích đất do ông Phạm Văn Bút đã hiến tặng.
Trạm y tế xã Ba Điền được xây dựng trên một phần diện tích đất do ông Phạm Văn Bút đã hiến tặng.


Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, Trạm y tế xã Ba Điền vốn đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn không đủ phương tiện để chữa trị cho bệnh nhân, ông Bút bàn với Đảng ủy và UBND xã thống nhất đề nghị lên trên về việc đầu tư xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhằm kịp thời phát hiện, điều trị bệnh nhân có hiệu quả ngay tại tuyến cơ sở. Sau khi tỉnh có chủ trương cho xây dựng trạm y tế xã để phục vụ việc khám, điều trị cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, lúc đó diện tích xây dựng trạm y tế lại chưa đủ, trong khi diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp và cần phải có diện tích đất để xây dựng trạm y tế xã mới đủ chuẩn.

Với cương vị một lãnh đạo xã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, vừa thương bà con mình không có cơ sở y tế để chữa bệnh, ông đã bàn với gia đình quyết định đất  để xây dựng mới trạm Y tế xã. Sau khi ông hiến đất, nhiều cán bộ, đảng viên và hộ dân đã làm theo. Nhiều người tự nguyện hiến đất để mở đường giao thông nông thôn, đường liên thôn. Cá biệt có hộ đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xã xây dựng công trình phúc lợi.

Chống “giặc đói, giặc dốt”

Không chỉ đi đầu trong việc tuyên chiến dịch bệnh, tục mê tín dị đoan… những năm qua, ông Phạm Văn Bút còn được cán bộ, người dân trong xã cảm phục và mến yêu với những thành tích vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông thường xuyên đến từng hộ gia đình đồng bào H’re để hướng dẫn bà con phát triển kinh tế bằng những cây, con phù hợp với địa phương mình. Ông được nhiều người dân quý mến, nhiều người còn gọi vui ông với cái tên triều mến “cán bộ khuyến nông, cán bộ xóa đói giảm nghèo”…  

Không dừng lại ở đó, ông Bút còn hết sức quan tâm đến sự học ở địa phương. Ông nói: “Phải lo cho con em đồng bào có được cái chữ, có kiến thức thì sau này các cháu mới giúp cho bà con, xã mình thoát nghèo được”. Chính vì vậy, ông thường xuyên đến vận động các gia đình tạo điều kiện đưa con em đi học. Ông còn kiến nghị với huyện, tỉnh xây trường, lớp giúp cho con em có điều kiện học trong những ngôi trường mới, khang trang… Đến nay, trên địa bàn xã học sinh trong độ tuổi nghỉ học hoặc học giữa chừng bỏ học hầu như không còn; xã đạt và giữ chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở.


Với những thành tích và việc làm của mình, trong 10 năm liền, ông Phạm Văn Bút không chỉ là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn là một cán bộ gương mẫu được nhân dân trong xã mến phục. Ông là một trong số những cá nhân tiêu biểu của tỉnh được biểu dương tại hội nghị toàn quốc biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sắp tới.



Bài, ảnh: M.Toàn
 

 


.