(QNĐT)- Dẫu đã 64 năm trôi qua, nhưng nơi ấy vẫn lưu dấu trọn vẹn, tươi nguyên mối tình hữu nghị Việt – Lào son sắt. Những câu chuyện có thật, những kỷ vật của mối tình này như đang lớn mạnh, rạng ngời bởi lớp lớp cháu con của cả hai dân tộc mãi nguyện giữ gìn, vun đắp cho muôn đời sau…
Chiều thu, cánh đồng lúa chín ở Gò Chùa, thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) ánh lên một màu vàng ruộm. Con đường bê tông thẳng tắp dẫn về làng tấp nập bước chân người qua lại. Giữa con đường ấy, là quần thể “Khu lưu niệm lễ xuất quân tình nguyện Việt – Lào”. Cờ và những hàng chữ đỏ khắc trên nền vàng đặt giữa khu lưu niệm làm nổi bật quần thể kiến trúc, tạo điểm nhấn thu hút mọi ánh nhìn khi ai đó có dịp qua đây…
Nhà trưng bày trong Khu lưu niệm |
Chúng tôi về Đề An đúng vào thời khắc nhân dân nơi đây vui mừng đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm làm lễ xuất quân tình nguyện Việt – Lào. Long trọng, trang nghiêm, nhưng ấm cúng lạ thường. Những người lính Việt Nam trong đoàn quân tình nguyện năm xưa; những sinh viên Lào – là con cháu của những “lính bạn Lào” trong lễ xuất quân năm ấy cũng có mặt.
Họ đến không chỉ để chứng kiến buổi lễ. Sự có mặt của họ là để cùng với nhân dân Đề An nói riêng, Quảng Ngãi nói chung và cả đất nước Việt Nam này viết tiếp bản trường ca về tinh thần quốc tế cao cả, tình hữu nghị Việt – Lào thủy chung.
Khu lưu niệm lễ xuất quân nằm trên khuôn viên rộng khoảng 1.000 m2, được xây dựng hoàn thành vào đầu năm 2012. Trước đó, vào năm 2009, khi chưa xây dựng thành khu lưu niệm thì Ban liên lạc quân tình nguyện Việt – Lào và các chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào đã đóng góp xây dựng Bia di tích quân tình nguyện Việt – Lào.
Việc xây dựng bia di tích, rồi sau đó là Khu lưu niệm lễ xuất quân tình nguyện Việt – Lào và việc trao bằng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm đưa di tích này trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, xây đắp tình đoàn kết truyền thống đặc biệt và toàn diện Việt – Lào mãi mãi sắt son.
Du khách thăm quan Khu lưu niệm. |
Biểu hiện sinh động của tình hữu nghị vĩ đại này, không chỉ có sử sách mà dường đã được khắc vào tâm khảm mỗi người dân Đề An. Ông Dương Mạnh – một cán bộ đã nghỉ hưu ở thôn Đề An cho chúng tôi biết: “Dù vinh dự có mặt trong buổi lễ xuất quân năm ấy hay chỉ nghe người làng kể lại, thì chúng tôi đều nhớ về ngày làm lễ xuất quân tình nguyện Việt – Lào. Đó là ngày 19/8/1948 – cách nay đã 64 năm. Có cả bác Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ; ông Xổm – ma – nô – vông đặc phái viên của Hoàng thân Xupanuvong đến dự”.
Bộ đội Việt – Lào lên đường làm nhiệm vụ trong ba lô thơm mùi cơm nắm muối vừng của các bà, các mẹ, các chị thôn Đề An chuẩn bị gói ghém để các anh mang theo trong bước quân hành.
Trong khuôn viên khu lưu niệm, có nhà bia, nhà trưng bày. Bia di tích lịch sử này ghi rõ: “Nơi đây, ngày 19/8/1948 liên quân Việt – Lào làm lễ xuất quân đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Hạ Lào Đông Bắc Campuchia… Tại lễ xuất quân, đồng chí Phạm Văn Đồng đã căn dặn: Chỉ có vận động nhân dân Lào đứng lên kháng chiến, thì mới đánh thắng được giặc Pháp. Các đồng chí phải thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Lào như thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Việt Nam ta vậy. Chúc các đồng chí lên đường chân cứng, đá mềm, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế vẻ vang”.
Ngay sau lễ xuất quân, Đội quân liên quân Việt – Lào gồm 240 người, trong đó có 44 người Lào và 196 người Việt Nam đã tiến thẳng đến Bến Giằng (miền tây Quảng Nam), qua biên giới Việt Lào vào vùng Hạ Lào- Đông Bắc Campuchia.
Trong vòng 6 – 7 năm, đội quân liên quân Việt – Lào với tinh thần mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kể cả hy sinh tính mạng, chiến đấu và tuyên truyền vận động xây dựng lực lượng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng đấu trang giải phóng dân tộc hai nước Việt – Lào…
Hiện nay, nhà trưng bày Khu lưu niệm còn lưu giữ nhiều bức ảnh chụp đội quân tình nguyện Việt – Lào lúc chiến đấu cũng như trong sinh hoạt nơi vùng Hạ Lào Đông Bắc Capuchia những năm tháng đó. Những bức chân dung lãnh đạo hai đảng cộng sản Việt – Lào. Màu sắc, đường nét đã phai dần theo thời gian, nhưng tình hữu nghị, thủy chung Việt – Lào vẫn ngày càng son sắt.
Hai bức thư chúc mừng, một của đồng chí Phạm Văn Đồng (viết vào năm 1995) và một của đồng chí Khăm – Tày – Xi – Phăn – Đon (viết vào năm 2004) viết ở hai đất nước khác nhau nhưng cùng gửi cho một địa chỉ: Các đồng chí quân tình nguyện Việt – Lào. Nội dung ca ngợi tinh thần quốc tế vô sản, sự đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân hai nước giao phó…
Hai câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xupanuvong trong Khu lưu niệm - Biểu tượng đẹp của tình hưu nghị Việt – Lào. |
Đặc biệt, trong khu lưu niệm còn có bức trướng xây bằng bê tông với hai dòng chữ vàng trên nền đỏ thắm, một của bác Hồ Chí Minh và một của Hoàng thân Xupanuvong. “Việt Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” và “Tình đoàn kết đặc biệt Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Đó không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào.
THANH NHỊ