Những cựu tù Côn Đảo noi gương Bác

10:05, 24/05/2010
.

(QNg) - Được giác ngộ rồi tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt tra tấn rồi đày đi Côn Đảo, nhiều đồng chí được học tập, được nghe kể nhiều về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Từ đó họ đã sống học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu.
 
TIN LIÊN QUAN


Điều đầu tiên chúng tôi gặp những người ở nhà tù Côn Đảo trở về sau 35 năm giải phóng đất nước là nụ cười lạc quan như còn tươi nguyên thời trai trẻ. Họ đã sống và làm việc theo gương Bác cho dù cuộc sống của họ chưa hết khó khăn...

Học gương Bác trong nhà tù
Căn nhà cấp 4 của cụ Bùi Dương (80 tuổi)- nguyên tù chính trị Côn Đảo nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở tổ 20, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), hằng ngày vẫn rộn tiếng chim. Cụ Dương kể: Học đến lớp 9, kiến thức đã học và những điều diễn ra ở thực tế tôi đã nhận thức được chỉ có con đường cách mạng, con đường mà Bác Hồ vạch ra, thì mới có thể thống nhất đất nước được. Năm 1960 ông quyết định cùng với vợ (Nguyễn Thị Lự) tham gia hoạt động cách mạng. Ông đã móc nối được với những đồng chí ở Mộ Đức, rồi lôi cuốn được cả ấp trưởng Gò Quán (thị xã Quảng Ngãi) Nguyễn Nhảy; ấp Phó an ninh Võ Tựu  cùng tham gia và nhiều sĩ quan, binh lính ngụy bằng cách thuyết phục cho họ nhận ra lẽ phải, khơi dậy lòng nhân ái trong sâu thẳm con người.

Trong khi cả miền Nam đang đánh giặc thì năm 1969, trên làn sóng rađiô, nghe thông tin Bác đã ra đi. Cả tổ công tác của cụ Dương đều sụt sùi. Mặc dù địch càn quét dữ dội nhưng cả đội công tác vẫn lập bàn thờ, treo ảnh Bác, tưởng niệm Bác Hồ kính yêu. Họ biến đau thương thành sức mạnh tiến công kẻ thù. Đến năm 1971 thì bị lộ, ông bị bắt và bị tra trấn dã man, nhưng bọn chúng vẫn không lấy được chứng cứ gì ở ông, nên chúng đày ông ra Côn Đảo. Nhà tù đế quốc với chuồng cọp và nhiều đòn tra tấn dã man, vẫn không khuất phục được ông và nơi đây trở thành trường học của các ông. Những bạn tù là đồng chí từng gặp Bác Hồ kể cho ông nghe về những chiến sĩ cộng sản, về lý luận cách mạng. Đặc biệt là những câu chuyện kể về Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, hoạt động của Bác ở Trung Quốc,  hay những ngày ở chiến khu Việt Bắc.  Những câu chuyện kể về Bác đã thắp sáng niềm tin trong ông, nên ông luôn giữ vững tinh thần đấu tranh. Ông cùng với các anh em phản đối chính sách lao động  khổ sai, chống chào cờ ngụy…

Ông nghĩ: Có thể mình sẽ hy sinh ở nhà tù như bao nhiêu đồng chí khác. Mình mong đến ngày đất nước thống nhất, mình sẽ ra Bắc thăm lăng Bác Hồ- lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam...
Ông Bùi Ánh Dương - kể những năm tháng bị tra tấn ở nhà tù Côn Đảo... nhưng tấm lòng vẫn mãi hướng về Bác.
Ông Bùi Ánh Dương - kể những năm tháng bị tra tấn ở nhà tù Côn Đảo... nhưng tấm lòng vẫn mãi hướng về Bác.

Năm 1975 miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, cụ Dương cùng với nhiều bạn tù trở  về trong niềm vui khôn xiết. Để kỷ niệm ngày đất nước giải phóng, ông lót thêm chữ Ánh nên tên ông trở thành Bùi Ánh Dương. Ông đã dành khoảng không gian trang trọng nhất của ngôi nhà mình, để treo bức chân dung Bác Hồ. Ông nói: "Treo tấm ảnh Bác cho thỏa lòng chứ hồi trong chiến tranh, rồi bị đi tù Côn Đảo, có treo được đâu. Treo ảnh Bác và dặn lòng hãy cố gắng học tập theo gương Bác.

Năm 2007 nhiều vùng ở Quảng Ngãi xảy ra hạn hán. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh xin những người bạn, đồng chí trong chiến tranh được 1 tấn gạo về giúp cho 50 hộ nghèo. Cách sống thầm lặng, giản dị mà gần gũi của ông được mọi người thương mến. Ông tâm niệm lời Bác Hồ dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng" để khuyên bảo con cháu trên con đường công danh, lập nghiệp.

 Phải cố gắng sống, làm việc cho xứng đáng.
Đối với ông Hồ Ky - thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn) thì làm theo gương Bác ở khía cạnh khác. Trở về từ nhà tù côn đảo, ông mang trên cơ thể nhiều vết thương. Nhưng cũng từ nơi đó mà ông được nâng cao trình độ văn hóa (học từ các anh em bạn tù)... Cũng nhờ các bạn tù, ông hiểu thêm về Bác, về những gian khổ trên con đường cách mạng, cùng với tâm niệm của Người là nước được tự do, dân được độc lập, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Trở về ông tham gia công tác ở địa phương, rồi được bầu làm chủ nhiệm HTXNN Bình Long. Ngày đó, ở Bình Long đồng gieo chiếm diện tích lớn, cuộc sống người dân đói khổ.

Ông nghĩ: Chỉ có nước mới đem đến màu xanh cho ruộng đồng, thì người dân mới có chén cơm ăn...  Ông đã bàn bạc với Đảng ủy, Ban chủ nhiệm hợp tác xã kêu gọi bà con trong thôn xóm đồng lòng đắp tuyến kênh để dẫn  nước về tưới cho những cánh đồng, rồi tiếp tục vận động bà con đóng góp kinh phí  mua máy bơm tưới nước cho những cánh đồng Cũ, đồng U... Từ đó những cánh đồng này được cấy sạ quanh năm tươi tốt. Mùa vàng nối tiếp mùa vàng, cuộc sống bà con từng bước cải thiện. Ông đã vinh dự cùng với 4 chủ nhiệm HTXNN khác trên cả nước dự HTX điển hình tiên tiến lần đầu tiên ở miền Nam.

Giờ ông đã nghỉ làm công tác ở HTX, nhưng nhìn thấy những tuyến kênh mương dẫn nước chảy khắp các cánh đồng trong mùa nắng, mới thấy sự nỗ lực của ông. Bây giờ, 3 đứa con của ông sau khi học xong đại học đã có việc làm ổn định, vợ chồng ông sáng, chiều có nhau bên mảnh vườn trồng lang, bắp ngô để nuôi thêm con bò.

Ông bảo: "Còn sức khỏe thì cố gắng làm việc., không thể để thời gian trôi  qua, khi cuộc sống của mình và mọi người còn nhiều khó khăn".

Bài, ảnh: MAI HẠ

.